Là người tâm huyết với sự phát triển thủ đô, ông Vũ Đức Tân - Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội - đã đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm và cả những trăn trở của mình về việc mở rộng thủ đô Hà Nội.
Mở rộng có lộ trình, phù hợp với từng giai đoạn
Về phát triển các khu công nghiệp (KCN), các nhà sản xuất chỉ chú ý đến cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các vấn đề xã hội như đời sống của công nhân, hậu phương họ lại đùn đẩy cho Nhà nước. Nếu tính xa, Hà Nội có nên hình thành những KCN khiến người dân bỏ đất, bỏ nông nghiệp tập trung vào TP không? Trong khi đó, có thể có cách làm khác như tự các làng nghề sẽ công nghiệp hoá theo kiểu của họ, quá trình này sẽ tự nhiên và bền vững hơn. Ngoài ra, có thể giải quyết được nhiều vấn đề xã hội như: Nạn thất nghiệp; thiếu nhà ở, thiếu dịch vụ công cộng... Ta phải đô thị hoá ngay chính trên đất đai của họ thì mới giải quyết được vấn đề.
Thay cho việc tập trung vào một điểm, ta rải đều hiệu quả đến các vùng sẽ lớn hơn. Xu hướng hình thành các đô thị vệ tinh có vẻ hợp lý hơn. Cách làm tập trung dân cư vào các đô thị chưa hẳn là tốt. Chúng ta nên mở rộng Hà Nội có lộ trình, phù hợp với từng giai đoạn. Không nên làm quá to để rồi dễ thất vọng.
Yếu kém về quản lý, sẽ gặp khó khăn
Đứng về mặt quy hoạch đô thị, chúng ta quản lý rất tồi. Đây là hậu quả của việc buông lỏng quản lý từ những năm 1990. Vì thế, Hà Nội vẫn là TP không xanh, sạch, đẹp như mong muốn. Về con người, chủ trương dùng người tài mặc dù đã có Nghị quyết HĐND, nhưng chưa thu hút được bao nhiêu. Và với bộ máy ấy, liệu chúng ta có quản lý nổi một TP lớn như dự kiến không?
Trong khi đó, TP đang vướng víu bao nhiêu điều: Chính sách cải tạo các khu chung cư cũ không có chủ trương quy hoạch đúng đắn, tìm mãi không có lối thoát. Mới chỉ có lời phát biểu của vị Phó Chủ tịch UBND TP rằng, HN phát triển về phía tây, chúng ta đã thấy bất động sản xôn xao đến thế nào. Sau này, Nhà nước muốn làm gì thì phải mua lại từ tư nhân. Nhà nước muốn quy hoạch lại phải bỏ tiền ra thu lại số đất đai do buôn bán này. Và giá đất cũng sẽ không giảm, vì mọi người đều hy vọng Nhà nước sẽ rút tiền túi của mình ra. Nhà nước là ai? Là tiền thuế và đóng góp của dân.
Giao thông đô thị đang đứng trước quá tải, ùn tắc, mất cân đối... thuộc về cách thức ta quản lý, điều hành chứ không liên quan gì đến mở rộng địa giới. Dịch vụ đô thị và nhà ở quá tải do ta không có chủ trương, chính sách tốt. Với tình trạng yếu kém về quản lý, chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn.
Giảm thiểu tối đa thiệt hại về văn hoá
Việc mở rộng địa giới hành chính không phải là con số cộng đơn giản các vùng, miền khác nhau. Cứ thử tưởng tượng xem, chỉ cần qua một đêm thức dậy, người dân ở các tỉnh quanh Hà Nội thành người thủ đô cả. Vậy thì văn hoá người Hà Nội sẽ thế nào? Nó sẽ là vấn đề nông thôn hoá thành thị chứ không phải là thành thị hoá nông thôn. Đứng về mặt di tích văn hoá, khu Hoàng thành, khu Lăng Bác, khu phố cổ, khu Văn Miếu rõ ràng là cần phải giữ lại cho tương lai.
Việc mở rộng địa giới hành chính về quy luật tất yếu chúng ta phải chuyển dịch các cơ quan quân sự, bộ máy nhà nước... sang địa điểm khác. Cần phải làm cách nào giảm thiểu đến tối đa thiệt hại về văn hoá. Nếu chỉ tính riêng về mặt văn hoá, chúng ta sẽ bị mất đi rất nhiều trước khi những chủ trương giữ gìn văn hoá mới ra đời. Nếu tính theo dự kiến hiện nay thì cả một vùng đất cổ Hà Tây sẽ bị đô thị hoá. Chỉ cần nói đến các cây cổ thụ ở Hà Tây có đứng vững trước cơn lốc này không? Chúng cũng là một di sản văn hoá đấy chứ. Chúng ta sẽ mất đi văn hoá làng của Hà Tây, những tập tục đi theo họ, những nghề cổ truyền đi theo họ...
Theo tôi, trước khi Quốc hội thông qua cần có luận cứ khoa học về các mặt: Công - nông nghiệp; văn hoá - xã hội; hành chính; môi trường... mới có thể chính xác được. Vấn đề này khi đưa ra Quốc hội cần ý kiến thảo luận, cần trí tuệ khoa học không chỉ của Hà Nội và của cả nước. Cần thận trọng khi mở rộng địa giới và chỉ làm ở mức vừa phải thôi, nhưng trước khi làm phải có căn cứ khoa học chắc chắn.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: