Số lượng chung cư thương mại tăng nhanh, hệ thống quy định pháp lý chưa hoàn thiện, chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong giải quyết các vấn đề nảy sinh, khiến mâu thuẫn giữa các bên trong quản lý, sử dụng nhà chung cư ở nhiều nơi chưa được xử lý dứt điểm, thậm chí trở thành điểm "nóng" gây mất an ninh trật tự. Đó là nhận định được đưa ra sau đợt giám sát việc quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại gần đây của HĐND thành phố và để giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, bên cạnh phân định rõ trách nhiệm, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của chính quyền địa phương.
Bài đầu: Nhiều mâu thuẫn nảy sinh
Tại 688 cụm, tòa nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, chủ yếu ở các quận nội thành, ngoài việc khó khăn trong thành lập ban quản trị, nhiều chủ đầu tư đã chậm bàn giao quỹ bảo trì và việc quản lý, vận hành tòa nhà. Sự chậm trễ này cùng với việc vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền sở tại là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn trong các nhà chung cư.
Luật đã có vẫn khó thành lập ban quản trị
Luật Nhà ở quy định nhà chung cư phải thành lập ban quản trị, là người đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu và sử dụng nhà chung cư. Quy định là vậy, nhưng thực tế, việc thành lập ban quản trị không dễ, vì đây là mô hình mới, đa số cư dân lần đầu sống trong các tòa nhà cao tầng chưa thấy hết vai trò quan trọng của tổ chức này.
Chung cư The Văn Phú Victoria, phường Phú La, quận Hà Đông, nơi xảy ra mâu thuẫn giữa người dân và Ban quản trị. |
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 688 cụm, tòa nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, nhưng đến nay mới có 418 cụm, tòa nhà thành lập được ban quản trị. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân dẫn tới chậm thành lập ban quản trị do một số ít chung cư mới hoàn thành chưa đủ số hộ dân về ở, còn lại do đa số cư dân thờ ơ, không đến dự hội nghị. Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư cố tình chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, nhằm trì hoãn việc bàn giao quỹ bảo trì, hồ sơ, công tác vận hành,… Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng chưa sát sao đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư, hoặc đứng ra tổ chức khi có đơn yêu cầu của cư dân theo luật định. Hiện, quận Ba Đình có 11 cụm, tòa nhà chung cư, Cầu Giấy có 30 cụm, tòa nhà chung cư, Long Biên có 25 cụm, tòa nhà chung cư, Bắc Từ Liêm có 31 cụm, tòa nhà chung cư, Nam Từ Liêm có 77 cụm, tòa nhà chung cư,… chưa thành lập ban quản trị.
Việc thành lập ban quản trị đã khó khăn, nhưng khi có ban quản trị theo luật định, thì việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư, diện tích chung - riêng, quỹ bảo trì, việc vận hành tòa nhà cũng nảy sinh không ít vướng mắc. Hiện tại, trên địa bàn TP Hà Nội mới có 261 cụm, tòa nhà chung cư bàn giao diện tích chung - riêng; 211 cụm, tòa nhà chung cư bàn giao hồ sơ nhà cho ban quản trị; 183 cụm, tòa nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho ban quản trị. Nguyên nhân việc chậm xác định sở hữu chung - riêng là do một số chủ đầu tư chây ỳ trong việc phân định, bàn giao cho cư dân. Hợp đồng mua bán căn hộ giữa chủ đầu tư với người mua chưa quy định rõ ràng về diện tích sở hữu chung, riêng. Đáng lưu ý, các chung cư xây dựng trước khi có Luật Nhà ở không có quy định về phòng sinh hoạt cộng đồng; một số ban quản trị hiểu chưa đầy đủ về pháp lý dẫn đến tranh chấp với chủ đầu tư.
Qua giám sát việc quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại trên địa bàn thành phố, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đoàn Việt Cường cho biết, hầu hết các ban quản trị đều gặp khó khăn về việc tiếp nhận 2% kinh phí bảo trì tòa nhà, do chủ đầu tư thu khi bán căn hộ. “Nhiều tòa nhà cư dân rất vất vả đấu tranh đòi chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì, nhưng họ thường viện cớ chưa có nguồn tiền, chưa chốt quỹ bảo trì… để trì hoãn. Trong số các cụm, tòa nhà chung cư trên địa bàn thành phố đã bàn giao quỹ bảo trì, vẫn còn 12 cụm, tòa nhà chủ đầu tư mới bàn giao một phần cho ban quản trị” - ông Đoàn Việt Cường thông tin.
Chính quyền chậm trễ
Theo ghi nhận, 105 cụm, tòa nhà chung cư thương mại trên địa bàn Hà Nội đang có tranh chấp giữa chủ đầu tư với ban quản trị, ban quản trị với cư dân, cư dân với cư dân… chưa được giải quyết triệt để. Nhiều trường hợp do chính quyền vào cuộc chậm trễ, lúng túng trong giải quyết khiến tranh chấp bị đẩy lên đỉnh điểm, cư dân một số tòa chung cư tập trung đông người phản đối chủ đầu tư, ban quản trị và chính quyền địa phương.
Sự chậm trễ vào cuộc của chính quyền địa phương là một trong những nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn tại các nhà chung cư.
|
Tại Khu đô thị Goldmark City (số 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm), cư dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư trì hoãn việc thành lập ban quản trị, cung cấp dịch vụ không tương xứng với số tiền cư dân đóng, không thực hiện như cam kết khi bán hàng trong thời gian dài. Chung cư Imperia Garden (số 203 phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân), cũng nảy sinh mâu thuẫn phức tạp, do cư dân không đồng ý với cách tính diện tích căn hộ của chủ đầu tư; chất lượng dịch vụ của chung cư không tương xứng với giá tiền nên phản đối không đóng phí. Đáp lại, chủ đầu tư thông báo cắt nước với một số hộ không đóng phí dịch vụ. Để phản đối việc cắt nước của chủ đầu tư, cư dân đã mang xô, chậu xuống sảnh tòa nhà để giặt giũ, gây mất trật tự tại tòa nhà.
Đầu tháng 4-2018, mâu thuẫn ở Khu chung cư The Văn Phú Victoria (phường Phú La, quận Hà Đông) cũng lên đỉnh điểm khi cư dân căng băng rôn, biểu tình tố cáo ban quản trị tòa nhà không minh bạch chi phí, đề nghị UBND phường tổ chức hội nghị bất thường nhằm bãi miễn ban quản trị. Dù cư dân kiến nghị đã lâu nhưng UBND phường Phú La chưa thực sự vào cuộc quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm.
Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Vũ Ngọc Anh chia sẻ: “Qua giám sát tại một số quận cho thấy, vai trò quản lý nhà nước đối với các khu chung cư còn mờ nhạt, không có mối liên hệ giữa chính quyền cơ sở với ban quản trị tòa nhà, trong khi trách nhiệm xử lý tranh chấp của tòa nhà thuộc chính quyền sở tại. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng nắm bắt, tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo tháo gỡ những tồn tại, bất cập vẫn chưa kịp thời; công tác tuyên truyền, hướng dẫn cư dân tuân thủ các quy định pháp luật hiệu quả còn thấp”.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu thừa nhận, chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc nắm bắt tình hình cư dân, giải quyết mâu thuẫn phát sinh, bởi nhiều khu chung cư khi đưa vào sử dụng không thông báo cho chính quyền địa phương biết để giám sát từ đầu; nhiều chung cư chưa đủ điều kiện về hạ tầng đã cho cư dân về ở...
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: