Top

Bộ GTVT gỡ khó cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận

Cập nhật 09/05/2018 14:39

Lãnh đạo Bộ GTVT thông tin dự kiến đến cuối tháng 5, nhà đầu tư sẽ ký kết với các ngân hàng về vốn tín dụng để thực hiện dự án.

Ngày 8-5, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận nhằm tháo gỡ những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc. Đồng thời, đảm bảo đến năm 2020 phải thông xe toàn tuyến phục vụ người dân.

Theo hợp đồng đã ký với Bộ GTVT, nhà đầu tư cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận phải tự huy động vốn chủ sở hữu (1.542 tỉ đồng) và vốn vay từ các ngân hàng thương mại (8.126 tỉ đồng) để đầu tư thực hiện dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí. Tuy nhiên, do nhà đầu tư chỉ mới huy động được vốn sở hữu, chưa ký được hợp đồng vay tín dụng nên công trình dù khởi động đã lâu nhưng vẫn bị đình trệ.


Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Đ.HÀ

Theo ông Nhật, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính, đồng thời báo cáo, đề nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ vướng mắc cho dự án cao tốc. Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và Chính phủ, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo nhà đầu tư đẩy nhanh việc triển khai dự án, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thông tin dự kiến đến cuối tháng 5, nhà đầu tư sẽ ký kết với các ngân hàng về vốn tín dụng để thực hiện công trình. Sau khi đã thu xếp được vốn, các nhà đầu tư sẽ khẩn trương thực hiện quyết liệt dự án này.

Tại buổi làm việc, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết đến nay tỉnh Tiền Giang đã thực hiện giải phóng mặt bằng 49/51,1 km (đạt khoảng 96%). Doanh nghiệp dự án cũng đã chuyển cho địa phương 1.264 tỉ đồng để triển khai giải phóng mặt bằng trên tuyến. Hiện tuyến còn 4% còn lại là do còn một số vướng mắc về mức bồi thường, tranh chấp đất giữa dân với dân, một số đoạn do chưa thể di dời đường dây điện trung thế.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, khẳng định đối với phần mặt bằng còn lại chưa được giải phóng, thời gian tới tỉnh sẽ tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo quyết liệt trong công tác này nhằm sớm bàn giao 100% mặt bằng cho nhà đầu tư.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, để đảm bảo thông toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ và góp phần giảm tải cho cầu Mỹ Thuận trên quốc lộ 1, Bộ GTVT sẽ sớm đầu tư xây dựng dự án cầu Mỹ Thuận 2. Cầu có tổng chiều dài 5.805 m, dự kiến cầu Mỹ Thuận 2 sẽ nằm cách cầu Mỹ Thuận khoảng 350 m về phía thượng lưu.

Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dài 51,1 km, nằm trọn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (đi qua các huyện Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy và Cái Bè). Quy mô dự án gồm bốn làn đường, điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương) và điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 30. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.668 tỉ đồng. 


DiaOcOnline.vn - Theo PLO