Dù đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa chưa được thành lập nhưng giá đất đã tăng chóng mặt, kéo theo nhiều hệ lụy.
Cuối năm 2017, giá đất tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã rục rịch tăng. Từ chỗ không có một sàn giao dịch bất động sản nào thì hiện đã có đến 20 sàn đang hoạt động.
Nhiều khu đất ven biển Vạn Ninh bị đẩy giá lên cao.
|
Trong 4 tháng đầu năm 2018, có hơn 2.300 giao dịch đất đai thông qua Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vạn Ninh, bằng 70% so với cả năm 2017.
Đất đai được mua bán, chuyển nhượng sôi động tại các xã như: Vạn Hưng, Vạn Thắng, Vạn Thọ, Vạn Thọ… với mức độ từ 250 đến gần 400 hồ sơ. Giá đất bị đẩy lên cao nhiều lần, thậm chí có nơi lên đến gần 100 trăm lần.
Không chỉ đất ở trong các khu dân cư, đất ao đìa, đất nông nghiệp mà đất rừng cũng được nhiều người lùng mua. Việc mua đi, bán lại diễn ra nhanh chóng với giá tăng nhanh.
Hầu hết những người mua đất đều từ các địa phương khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Bỏ hàng chục tỷ đồng mua đất xong lại để đó, không xây dựng hay trồng trọt gì.
Ông Nguyễn Văn Hưng, ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh vẫn chưa hết bất ngờ, "Đất lên hơn bão. Bữa trước đất bờ biển 300 triệu đồng/lô, 10-20 m ngang, giờ lên 5-10 tỷ đồng/lô. Đất mua chủ yếu người ở nơi khác tới mua gom".
Giá đất tăng nhanh, tăng cao làm bùng phát tình trạng chặt cây phá rừng bao chiếm đất công trên các đảo, san lấp đất đìa, đất ven biển để chuyển phân lô.
Mới đây, huyện Vạn Ninh đã thành lập nhiều tổ công tác liên ngành với nhiều lực lượng để ngăn chặn tình trạng này nhưng vẫn không phát hiện được những người đứng ra tổ chức lấn chiếm đất rừng trên các đảo. Lý do được đưa ra vẫn là do địa hình biển, đảo phức tạp, thiếu nhân lực, phương tiện.
Ông Đinh Văn Tưởng, ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh đặt nghi vấn có hay không sự bao che của chính quyền địa phương?
"Dân ở đó, bà con ở đó thì không có phát rừng được. Giờ rừng bị phát từ mặt biển lên núi. Họ phát hết cây dọc gành bên Nà Tre đến tận Hòn Mới. Triệt sát gốc luôn, rồi đốt. Không thấy ai ngăn cản hết nên giờ rừng bị phá tanh bành luôn", ông Đinh Văn Tưởng cho biết.
Một khu rừng đã bị chặt, phá tại Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa).
|
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ mới lập quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. Để ổn định tình hình đất đai tại khu vực này, từ đầu năm đến nay, tỉnh Khánh Hòa ban hành 2 Chỉ thị giao các ngành chức năng và chính quyền địa phương kiên quyết chấn chỉnh tình trạng này.
Ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, Sở đã chỉ đạo cơ quan chức năng thẩm tra nguồn gốc đất trước khi cho sang nhượng, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Đối với đất nông nghiệp, phải rà soát lại đối tượng mua bán đất có nhu cầu sử dụng hay không và không đưa đất sản xuất vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm khi quy hoạch đặc khu.
Ông Võ Tấn Thái khẳng định sẽ xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, phát rẫy tạo giấy tờ giả đối với đất công. Phải thừa nhận rằng để xảy ra tình trạng này phải có sự tiếp tay của một số cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai. Hiện huyện Vạn Ninh đang thực hiện kiểm tra dấu hiệu Đảng viên vi phạm đối với Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vạn Thạnh và tiến hành thanh tra công tác quản lý đất đai tại địa phương này.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu các sở, ngành và chính quyền huyện Vạn Ninh xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm liên quan đến quản lý đất đai; đồng thời có biện pháp chấn chỉnh; nếu không, sau này hình thành đặc khu thì các nhà đầu tư sẽ rất khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở Tài Nguyên - Môi trường, Xây dựng cùng lực lượng Thanh tra chuyên ngành phải xuống địa phương để tập trung kiểm tra các nhiệm vụ liên quan đến quản lý đất đai, quản lý xây dựng. Trước mắt, tạm ngừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh.
Ông Lê Đức Vinh cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc buông lỏng quản lý đất đai ở một số địa bàn trong thời gian qua.
Đồng thời xử lý nghiêm, xử lý dứt điểm và cưỡng chế tháo dỡ. Đặc biệt là không để phát sinh thêm tình trạng lấn chiếm, chặt cây, đổ đất nâng nền, các hành vi khác vi phạm về Luật Đất đai và Luật Xây dựng.
"Tỉnh đã giao rồi, phải tổ chức đoàn xuống, kiểm tra việc quản lý đất đai ở các xã như thế nào? Đừng để các xã, cán bộ dưới đó tự ý làm. Chứ không thể nào trên này cứ nói là tăng cường, đẩy mạnh mà không thấy ai xuống cả", ông Lê Đức Vinh nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: