TP.HCM đã vào mùa mưa, mưa lớn liên tục hai ngày qua làm nhiều khu vực nội thị ngập sâu trong nước. Trong khi đó, các dự án chống ngập bị đình trệ.
Cống kiểm soát Bến Nghé do Công ty Trung Nam thực hiện đang tạm dừng thi công vì chưa được giải ngân (ảnh chụp chiều 8-5) - Ảnh: HỮU KHOA
|
“TP.HCM coi việc chống ngập là chương trình đột phá nhưng nhìn lại các dự án chậm trễ, chưa triển khai được thì trở ngại chính là do thiếu tiền, không phải là vấn đề kỹ thuật. Nếu không tạo được nguồn lực, TP.HCM sẽ khó triển khai được các công trình chống ngập Ông Hồ Long Phi (nguyên giám đốc Trung tâm nước biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM) |
Ảnh hưởng khắp nơi
Với mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, dự án của Trung Nam được đầu tư 6 cống kiểm soát triều cùng gần 8km đê bao và là hợp phần trong quy hoạch thủy lợi chống ngập úng ở TP.HCM.
Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường tại các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh...
Không chỉ giải quyết ngập do triều, dự án còn được cho hỗ trợ chống ngập do mưa vì tại mỗi cống kiểm soát triều đều được trang bị máy bơm "khủng" để bơm nước mưa từ các kênh, rạch ra ngoài.
Theo cam kết của nhà đầu tư, nếu địa phương bàn giao mặt bằng sớm thì Trung Nam Group sẽ đưa toàn bộ công trình vào hoạt động đúng dịp 30-4-2018.
Tuy vậy tháng 2-2018, trong buổi gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Tâm Tiến - tổng giám đốc Trung Nam Group - cho biết do chưa được bàn giao mặt bằng nên công trình không thể hoàn thành kịp như đã cam kết.
Đến cuối tháng 4-2018, nhà đầu tư lại có văn bản thông báo việc tạm dừng thi công toàn bộ công trình. Nguyên nhân do Ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Sài Gòn dừng giải ngân tiền cho dự án.
Việc dự án chống ngập trên đột ngột ngừng thi công đã ảnh hưởng lớn đến khả năng chống ngập tại các quận 1, 4, 7, 8 cùng hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh. Không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ chống ngập, dự án này tạm dừng kéo theo việc ảnh hưởng đến giao thông đường thủy.
Theo ông Phan Công Bằng - trưởng phòng quản lý giao thông thủy Sở GTVT TP.HCM, đa số các cống kiểm soát triều do Trung Nam Group triển khai đều nằm dưới sông, kênh lớn nên đã hạn chế việc di chuyển của tàu thuyền.
Đường Quốc Hương, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM ngập nước trong cơn mưa chiều 8-5 - Ảnh: XUÂN HƯNG |
Quyết tâm xóa ngập nhưng "lô cốt" án ngữ Từ năm 2016 đến 2020, TP.HCM đặt mục tiêu quyết tâm xóa ngập tại 40 đường. Trong khi đó, hiện nay bước vào mùa mưa nhưng ở các đường có nguy cơ tăng thêm các điểm ngập khi có đến 127 "lô cốt" đang án ngữ trên 57 đường. |
Quy hoạch chống ngập cần đồng bộ
Ghi nhận thực tế cho thấy hiện TP.HCM đang triển khai công tác chống ngập theo 2 quy hoạch. Thứ nhất là quy hoạch thủy lợi chống ngập úng theo hướng ngăn triều, hỗ trợ thoát nước mưa bằng hệ thống bơm công suất lớn.
Theo quy hoạch này, TP.HCM sẽ xây tới 12 cống kiểm soát triều tại các cửa sông lớn và khoảng 170km đê bao.
Quy hoạch thứ 2 là đến năm 2020 phải đầu tư 6.000km cống nước từ các tuyến đường thoát ra sông, kênh rạch.
Theo một chuyên gia chống ngập, hai quy hoạch này cần có sự đồng bộ mới phát huy được hiệu quả, nghĩa là phải đầu tư đầy đủ hệ thống cống thoát nước để thu nước mưa đổ ra kênh rạch.
Từ đó, hệ thống máy bơm tại các cống kiểm soát triều sẽ bơm nước ra ngoài. Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đang triển khai 6 cống kiểm soát triều, khoảng 8km đê bao.
Trong khi đó, theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, hiện chỉ mới đầu tư được 3.600km cống.
Hiện ở TP.HCM vẫn còn nhiều đường chưa có hệ thống thoát nước, vì vậy khi có mưa, nước không thoát xuống kênh, rạch được... dẫn đến hệ thống máy bơm "thất nghiệp".
"Vì vậy phải rà soát lại toàn bộ hai quy hoạch này để khớp nối với nhau" - chuyên gia này nhận định.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
|
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: