Top

Bất động sản Tp.HCM sẽ đón 20 tỷ USD, nếu…

Cập nhật 18/12/2008 10:35

Tp.HCM sẽ có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản với số vốn khoảng 20 tỷ USD, nếu giải quyết được vấn đề đất đai, quy hoạch.

Đây là thông tin từ ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), khi trao đổi với VnEconomy ngày 17/12.

Về lượng vốn FDI vào bất động sản trong năm 2008, ông Thắng cho biết:

- Do chưa hết tháng 12 nên tôi chưa có số liệu cụ thể cho từng lĩnh vực. Nhưng có thể nói là vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản năm 2008 tăng hơn so với mấy năm trước.

Đến nay, lượng vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào công nghiệp, xây dựng (chiếm khoảng 55 - 56%). Lĩnh vực dịch vụ, trong đó có cả bất động sản, khoảng 39 - 41%; còn lại là nông, ngư nghiệp.

Trong lượng vốn đầu tư vào dịch vụ thì đầu tư bất động sản chiếm trên 50%.

* Thưa ông, trước ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam định hướng thế nào về việc thu hút vốn FDI vào bất động sản năm tới?

Chúng tôi biết cuộc khủng hoảng tài chính thế giới trong năm 2008 cũng có nguyên nhân bắt nguồn từ thị trường bất động sản nước Mỹ. Do vậy, đối với bất động sản Việt Nam năm 2008, cũng có nhiều thăng trầm, khó khăn, biến động. Mà chính những khách hàng, các nhà đầu tư đều không dự đoán được.

Mục tiêu chung của thu hút FDI đã được xác định rõ trong những năm vừa qua là ưu tiên vào ngành công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực..., nhưng chúng ta cũng không hạn chế đầu tư vào bất động sản.

Nếu các nhà đầu tư nước ngoài có dự án phù hợp với các quy hoạch, tiêu chí, quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì chúng ta sẵn sàng cấp phép.

* Ông có thể nói rõ hơn việc thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản sẽ chú trọng ở những dự án loại nào?

Thu hút FDI vào những dự án nào trong năm 2009 thì cần có một đánh giá cụ thể, vì dự báo thế này là rất khó. Do đầu tư nước ngoài là đầu tư tư nhân, nên nó phụ thuộc vào chính nhà đầu tư.

Còn chúng ta luôn rộng cửa thu hút đầu tư vào hệ thống khách sạn, văn phòng cho thuê tại các khu đô thị lớn, kể cả các tỉnh, thành phố khác chứ không riêng gì Hà Nội và Tp.HCM.

Trong thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư nâng cấp được những hệ thống đó rất nhiều. Hệ thống văn phòng cho thuê, khách sạn cao cấp đã đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của đất nước, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, du lịch của khách quốc tế đến Việt Nam…

Hiện nay, mặc dù khách du lịch đến Việt Nam đang giảm sút nghiêm trọng nhưng tôi cho rằng đó chỉ là tạm thời. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu qua đi, nhu cầu này sẽ tăng trở lại. Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện, phát huy lợi thế của mình để tiếp tục trở thành điểm đến của du khách quốc tế.

Do vậy, nếu các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, du lịch, khu nghỉ dưỡng, hoặc các dịch vụ liên quan, thì chúng ta hoàn toàn không có hạn chế nào trong năm 2009.

Chúng ta cũng biết là năm 2009 là năm có nhiều khó khăn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, cần phải tạo điều kiện cho họ.

* Ông có thể cho biết những dự án bất động sản lớn đang xúc tiến đầu tư hiện nay không?

Có khá nhiều dự án bất động sản đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, và đang tiến hành thương thảo để được cấp phép trong năm 2009.

Cách đây vài ngày chúng tôi có họp mặt các địa phương, đánh giá lại báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài hai năm vừa qua.

Qua trao đổi, tôi biết nếu giải quyết được vấn đề đất đai, quy hoạch, thì Tp.HCM sẽ có 4 dự án FDI vào bất động sản với số vốn khoảng 20 tỷ USD vào các khu đô thị.

* Ông cho biết thông tin cụ thể hơn về 4 dự án này?

Hiện chưa có kết quả cuối cùng tôi nên chưa thể nói rõ. Nhưng tôi hy vọng là 4 dự án này sẽ sớm được cấp phép.

Ngoài Tp.HCM, Đồng Nai cũng dự báo sẽ cấp ít nhất 5 tỷ USD vào bất động sản trong năm 2009.

Qua những trường hợp, địa phương trên cho thấy Việt Nam vẫn là thị trường mới nổi, đang lên và rất hấp dẫn chứ không bi quan như nhiều người nhìn nhận.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy