Top

Bất động sản TP.HCM: Nhóm lửa trên băng

Cập nhật 27/03/2009 13:35

Diễn biến đáng quan tâm nhất trên thị trường bất động sản trong 2 tuần qua không phải số lượng giao dịch tăng (chứng tỏ thị trường đang sôi động) mà là tình trạng tăng giá vô tội vạ.

Khu vực quận 2 và quận 9 có mức tăng giá cao nhất từ 10 đến 20%, tiếp đó là khu Nam Sài Gòn cũng đã tăng khoảng 10%. Một chuyên gia phân tích thị trường bất động sản (BĐS), khi nhận định về tình hình thị trường đã ví von bằng hình ảnh "nhóm lửa trên băng".

Khắp nơi làm giá


Một tuần trước, giá đất dự án trong Khu đô thị mới Nam Sài Gòn vẫn chưa có biến động gì, sang đến tuần này đã đồng loạt tăng giá. Giám đốc một công ty môi giới mua bán nhà đất cho biết: "Chỉ trong 1 tuần giá đất đã tăng 8 đến 10%, nhiều khách hàng đã muốn mua nhưng người bán thì có vẻ còn lưỡng lự". Khi bị phóng viên vặn lại, nếu người bán và mua chưa gặp nhau thì lấy cơ sở đâu để nói là giá đất tăng 10% thì vị giám đốc này đuối lý.

Trên thực tế, công ty của vị giám đốc này có 4 chi nhánh nhưng từ đầu tháng 3 đến nay mới môi giới thành công 2 vụ mua bán căn hộ. Làn sóng làm giá, thổi giá đất khu vực quận 2 và quận 9 vốn đã hình thành vào đầu tháng 3-2009 để đón làn sóng người nhận tiền bồi thường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm đi mua đất thì nay tiếp được đẩy mạnh.

Đất dự án hạng trung (từ 10 đến 15 triệu đồng/m2) tăng thêm khoảng 10% trong 2 tuần. Những dự án có giá dưới 10 triệu/m2 thì có mức tăng giá khoảng 20%. Một số dự án tầm tầm trên địa bàn phường Phú Hữu (quận 9) đầu năm kêu giá 6 -7 triệu đồng/m2 chẳng ai quan tâm thì nay được "hét" 9 -10 triệu đồng/m2, thích thì mua, không thì thôi.

Nhận định về tình hình thị trường đang có xu hướng "sốt", ít nhất là xét trên phương diện giá chào bán, một chuyên gia dí dỏm: "Người ta đang nhóm lửa trên băng". Vị chuyên gia này cho biết thêm: "Tôi theo dõi một số dự án gây đình đám trên phương tiện thông đại chúng trong thời gian gần đây, thấy chủ đầu tư công bố những con số giao dịch rất ấn tượng như bán được 70 -80%.

Thế nhưng cả tháng trôi qua vẫn thấy những dự án này tiếp tục quảng cáo chào bán, có lẽ là do bán hoài không xong. Phải chăng, thực chất của cái gọi là thị trường sôi động vừa qua cũng chỉ là một chiêu kích, thổi hâm nóng thị trường chẳng mới mẻ gì (?!!)".

Khó có "sóng" để lướt!

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea) Lê Hoàng Châu thì nhận định: "Việc ấm lại của thị trường BĐS ở phân khúc nhà ở giá thấp là có thật bởi nó gắn với nhu cầu thật, nhưng thị trường sẽ không sốt nóng theo kiểu của những năm 2006 -2007. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có "sóng" trên thị trường BĐS. Bởi những NĐT đã rút được những bài học đắt giá từ sự bùng nổ cũng như sụp đổ của thị trường BĐS trong thời gian qua. Vì vậy cảnh báo chung là không nên nóng ruột với những "triệu chứng" của "cơn sốt" nhà đất mới.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Châu cho rằng: "Chủ đầu tư của các dự án, tầng lớp những người mua đi bán lại đã rất thành công khi đánh vào tâm lý nôn nóng, sợ giá đất tăng của một bộ phận những người có ý định đầu tư vào nhà đất. Một số chuyên gia phân tích thị trường BĐS giàu kinh nghiệm khác thì khẳng định trong 5 năm tới thị trường BĐS sẽ khó có "sóng" như 2 năm 2006 - 2007.

Nhận định này được đưa ra trên cơ sở phân tích, tính chất của thị trường BĐS trong những năm vừa qua. Sự phát triển "nóng" của thị trường BĐS trong 2 năm 2006 -2007 chủ yếu là nhờ sự gia tăng nguồn vốn đổ vào thị trường cũng như sự gia tăng NĐT.

Trước đây, TTCK cũng đã trải qua một giai đoạn tương tự như vậy. Tuy nhiên, có một sự khác nhau đó là sự sụp đổ của TTCK diễn ra nhanh hơn, những người tham gia TTCK cũng tỉnh ra sớm hơn. Đối với thị trường BĐS, sự tụt dốc trong năm 2008 đã để lại một bài học "xương máu" cho không ít người. Vì vậy, việc tái lập những "cơn sốt" mới trên thị trường BĐS trong thời gian tới là không có cơ sở.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động