Top

Bà Ba Dah Wen : Kinh nghiệm nhìn từ khu đô thị Phú Mỹ Hưng

Cập nhật 04/06/2008 17:07

Có thể nói kinh nghiệm thành công của các nước trong đầu tư xây dựng các khu đô thị mới đã được Phú Mỹ Hưng đúc kết và ứng dụng với điều kiện của TPHCM.

* Phóng viên: Bà có thể đánh giá khu đô thị Phú Mỹ Hưng (KĐTPMH) đã đi được bao nhiêu phần trăm đoạn đường trong kế hoạch xây dựng?

- Bà Ba Dah Wen ( Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng ): KĐTPMH (khu A là khu lớn nhất trong 5 khu) do Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng đầu tư xây dựng có diện tích 433 ha, được quy hoạch với dân số thường trú 100 ngàn người và nửa triệu khách vãng lai.

Năm 1998, chúng tôi bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng và đến nay đã hoàn tất 6.042 căn hộ với diện tích sàn gần 1,5 triệu m2, đang xây dựng 2.691 căn hộ với diện tích sàn 500 ngàn m2, chưa kể hàng trăm ngàn m2 do cư dân và các doanh nghiệp tự xây dựng theo quy hoạch.

Chúng tôi đã xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như đường giao thông, điện, viễn thông, cấp nước, thoát nước thải và nước mưa, trường học, bệnh viện, cơ sở thể dục thể thao, trung tâm thương mại, khu hành chính, các dịch vụ khác phục vụ đời sống hằng ngày của cư dân.

Năm 2007, chúng tôi đã đưa vào sử dụng trạm xử lý nước thải sinh hoạt với công suất 10.000 m3/ngày; hoàn thành đại lộ Nguyễn Văn Linh và thông xe toàn tuyến.

* Kế hoạch sắp tới của Công ty Liên doanh tại KĐTPMH là gì, thưa bà?

- Phú Mỹ Hưng đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng khu A, trong quy hoạch các khu chức năng A,B,C,D, E đã được Thủ tướng phê duyệt. Riêng các khu B, C, D vẫn chưa được giao cho liên doanh. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền đẩy nhanh tiến độ giao đất.

Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của TPHCM chọn năm 2008 là năm xây dựng nếp sống văn minh đô thị mà hiện nay Phú Mỹ Hưng được coi là một hình mẫu. Đây cũng là việc làm mà chúng tôi đã kiên trì phấn đấu trong nhiều năm qua. Chúng tôi rất muốn chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về quản lý và đầu tư xây dựng KĐTPMH với TPHCM cũng như các cơ quan, doanh nghiệp liên quan.

* Trước khi đầu tư vào VN, Tập đoàn CT&D đã có kinh nghiệm gì trong xây dựng đô thị? Và tại sao lại chọn Nam Nhà Bè – Bắc Bình Chánh để xây dựng khu đô thị hiện đại nhất VN hiện nay?

- Tập đoàn CT&D có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng những khu đô thị mới. Trong quá trình đầu tư, chúng tôi luôn quan tâm cải thiện môi trường sống với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Chúng tôi đã mời nhiều đơn vị thiết kế của Mỹ, Nhật, Đức, Thái Lan, Đài Loan và Trung Quốc tham gia thiết kế, xây dựng. Có thể nói, kinh nghiệm thành công của các nước trong đầu tư xây dựng các khu đô thị mới đã được chúng tôi đúc kết và ứng dụng phù hợp với điều kiện của TPHCM.

Việc lựa chọn vùng đất phía Nam thành phố để xây dựng khu đô thị và các dự án khác là quyết định táo bạo và có cơ sở khoa học của các vị lãnh đạo của thành phố và Chính phủ VN lúc bấy giờ, cũng như của các vị lãnh đạo của tập đoàn chúng tôi. Vấn đề là giải đúng bài toán quy hoạch và những vấn đề về kỹ thuật sao cho hài hòa giữa phát triển và bảo tồn cảnh quan môi trường.

* Nhiều người cho rằng một số khu đô thị mới ở VN đang rơi vào tình trạng manh mún, thiếu cả quy hoạch tổng thể lẫn chi tiết...

- Nếu manh mún thì không thể gọi là đô thị được. Đã là quy hoạch khu đô thị, dù lớn hay nhỏ, buộc phải hài hòa với tổng thể và phải đáp ứng được những đòi hỏi về nhu cầu cuộc sống của người được hưởng thụ, cũng có nghĩa là cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phải được đầu tư đồng bộ và đầy đủ, đúng quy chuẩn.

Từ Phú Mỹ Hưng, chúng tôi có thể rút ra kinh nghiệm là quy hoạch và đưa đồ án quy hoạch vào thực tế của cuộc sống là hai mặt của vấn đề, nó phải được giao cho đơn vị có chuyên môn cao, có tiềm lực tài chính và chủ đầu tư phải đặt lợi ích của người thụ hưởng và sự phát triển bền vững lên trên hết.

* Nếu có thể đóng góp cho quy hoạch TPHCM trong vai trò một tư vấn, bà sẽ nói gì?

- Quy hoạch phải vì cộng đồng, phải lấy con người làm trung tâm, phải nghiên cứu xem người dân mong chờ gì trong sự phát triển đô thị mới. Người ta không chỉ cần một chỗ để ở mà còn cần môi trường sống an lành, tiện nghi. Tóm lại, quy hoạch phải giải quyết hài hòa các lợi ích của sự phát triển bền vững. Quy hoạch mà xa rời những giá trị nhân văn sẽ không đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tôi nhận thấy, chính quyền TPHCM có ý thức cao về điều này, nhưng trong thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong dự báo về nhu cầu của sự phát triển đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tôi thấy ở VN hiện nay không thiếu vốn đầu tư, cũng không lo thiếu tri thức và công cụ tiên tiến để xử lý những vấn đề thuần túy về kỹ thuật. Điều đáng quan tâm là các nhà hoạch định, những nhà quản lý và nhà đầu tư phải có tầm nhìn và quyết tâm thực hiện tầm nhìn đó vì cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

* Nếu có một cơ hội mới về một Phú Mỹ Hưng tại một địa phương khác ở VN, liệu Tập đoàn CT&D có bắt tay lại từ đầu như đã làm 15 năm trước ở Bắc Nhà Bè – Nam Bình Chánh?

- Hãy nhớ lại thời điểm cách đây 20 năm, khi VN mới mở cửa và đang rất cần đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư Đài Loan chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, chính quyền các cấp và người dân VN nên mới có những kết quả như ngày hôm nay. Kinh tế VN vẫn tăng trưởng mạnh, tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Như vậy, còn nhiều cơ hội để có thêm những khu đô thị mới hiện đại như Phú Mỹ Hưng.

Chúng tôi vẫn chuẩn bị cho cơ hội mới nhưng mục tiêu của dự án tại phía Nam TPHCM còn rất lớn và những dự án dự kiến mở rộng đầu tư tại đây cũng rất lớn. Do vậy, chúng tôi cần phải tập trung nhiều hơn nữa để thực hiện những mục tiêu đã đề ra và sẽ tìm kiếm những cơ hội tốt cũng như chia sẻ những kinh nghiệm của mình để góp phần vào tiến trình phát triển đô thị tại VN.

Theo Người Đô Thị