Top

Bài toán mặt bằng ở các dự án giao thông: Những cởi gỡ bước đầu

Cập nhật 04/06/2008 16:00

Trước sự chậm trễ trong việc GPMB của rất nhiều dự án giao thông trọng điểm, tại Văn bản 2131/BGTVT- CGĐ gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã kiến nghị điều chỉnh hàng loạt vướng mắc để khai thông, đẩy nhanh tiến độ dự án. Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 721/TTg-KTN gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giải quyết vướng mắc trong công tác GPMB

Tái định cư phải đi trước một bước

Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao cho các địa phương phải chủ động lập quy hoạch bố trí quỹ đất dự trữ để khi có dự án là có mặt bằng để xây dựng tái định cư. Về chính sách tái định cư, cần hỗ trợ kinh phí chênh lệch đối với các hộ dân được bồi thường nơi ở cũ nhưng không đủ tiền mua đất tái định cư hoặc cho trả chậm để tạo điều kiện và khuyến khích các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.

Ngoài ra, việc xây dựng khu tái định cư phải được triển khai trước khi khởi công dự án, để rút ngắn thời gian GPMB. Chính phủ cần quy định việc xây dựng tái định cư theo cơ chế chỉ định thầu hoặc theo cơ chế đặc biệt là giao nhiệm vụ thực hiện.

Đối với chính sách bồi thường công trình hạ tầng kỹ thuật, Bộ GTVT cũng kiến nghị cho phép đền bù bằng công trình được xây dựng mới cấp tương đương hoặc cấp cao hơn bằng kinh phí của dự án. Ngoài ra, cũng nên cho phép chủ sở hữu hoặc giao nhiệm vụ cho nhà thầu xây dựng công trình mới, có cam kết chịu trách nhiệm về thời hạn di dời với chủ đầu tư.

Về chi phí tổ chức thực hiện GPMB theo quy định không được vượt quá 2% tổng kinh phí GPMB. Bộ GTVT kiến nghị cho phép lập dự toán đối với chi phí tổ chức thực hiện GPMB đối với tất cả các công trình xây dựng giao thông, bao gồm cả dự toán chi phí quản lý của chủ đầu tư dự án GPMB.

Với việc giải quyết vướng mắc trong bộ máy tổ chức thực hiện của địa phương, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nên giao cho các bộ chức năng quy định bộ máy tổ chức định biên cụ thể cả về tiêu chuẩn chức danh lẫn chính sách đãi ngộ đối với bộ máy thực hiện GPMB, đảm bảo đủ trình độ và năng lực chuyên nghiệp, chuyên trách, đáp ứng được nhiệm vụ được giao.

Có kế hoạch rõ ràng để dân biết về chính sách GPMB

Trước đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 721/TTg-KTN gửi các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giải quyết vướng mắc trong công tác GPMB.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở các quy hoạch có liên quan, thực hiện tốt công tác chuẩn bị quỹ đất, quỹ nhà tái định cư phục vụ công tác GPMB, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiến độ các dự án trên địa bàn theo quy định hiện hành. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan, xây dựng kế hoạch GPMB cho các dự án trên địa bàn trong quá trình triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, làm cơ sở ứng vốn triển khai trước việc xây dựng hạ tầng các khu tái định cư, bàn giao mặt bằng cho các dự án trước khi khởi công.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tháng 6/2008 có văn bản báo cáo về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác đền bù, GPMB trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Một cách làm trong công tác chỉ đạo GPMB của thành phố Hà Nội mới đây cũng đáng để tham khảo. Đó là: Để đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án giao thông, trước hết chủ đầu tư phải rà soát ngay kế hoạch và đề ra tiến độ, chính quyền địa phương phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện. Kế hoạch này phải công khai cho người dân, báo cáo cơ quan liên quan để thực hiện và giám sát. Quan trọng hơn, từ đó có thể chỉ rõ trách nhiệm của khâu nào, đơn vị nào để có biện pháp xử lý.

Các quận, huyện, chủ đầu tư khẩn trương triển khai nghiên cứu và tổ chức tập huấn sâu rộng, theo phân cấp của thành phố, về các chính sách mới ban hành. Nếu không công khai, phổ biến rõ chính sách, người dân khiếu nại là chuyện bình thường. Việc nữa là những vấn đề phát sinh phải tháo gỡ ngay theo đúng chức năng nhiệm vụ thành phố đã phân cấp cho chủ đầu tư, các quận, huyện.

Cuối cùng cần có sự phối hợp đồng bộ, chuyên sâu giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các sở, ngành. Cụ thể, nên cử một cán bộ tham gia dự án đến cùng, tránh tình trạng nay cử người này, mai cử người khác, sẽ rất khó nắm bắt, giải quyết kịp thời tình hình phát sinh.

Theo Kinh Tế Đô Thị