Top

18 thôn vườn trầu thành nhà trọ, ki-ốt!

Cập nhật 13/09/2007 14:00

Người dân xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn-TPHCM từng mơ 18 thôn vườn trầu sẽ trở thành địa điểm du lịch sinh thái cho khách nước ngoài đến tham quan, thế nhưng...

Đến xã Bà Điểm, hỏi thăm mỏi miệng, tôi chỉ nhận được câu trả lời: “18 thôn vườn trầu hết trầu rồi!”. Tưởng người dân nói vui, lặn lội đến UBND xã, tôi cũng nhận được cái lắc đầu của ông phó chủ tịch: “Còn đâu nữa 18 thôn vườn trầu!”.

Sống khỏe hơn nhờ nhà trọ, ki-ốt...

“Mấy ngày mưa bão, vườn trầu chịu không nỗi oằn mình chờ chết. Thấy tội, tôi định ra dựng lại, nhưng má tôi lắc đầu: Dựng lên làm gì, trầu còi cọc có bán được đâu. Thôi để má tính lại, bỏ vườn trầu xây nhà trọ cho thuê”. Chị Phụng (ấp Nam Lân) buồn buồn kể lại. Nói là làm, chỉ thời gian ngắn, gần 500 gốc trầu của gia đình chị Phụng đã bị san bằng, thay vào đó là 10 ki-ốt nhanh chóng mọc lên, cái nào cũng có người thuê và buôn bán nhộn nhịp. Khu đất màu mỡ, thơm hương trầu bỗng chốc trở nên ồn áo, náo nhiệt. “Mỗi tháng nhờ tiền cho thuê ki-ốt mà gia đình tôi sống khỏe, nuôi 3 con ăn học, không còn chật vật như trước!”- chị Phụng cho biết.

Cùng chung số phận với vườn trầu nhà chị Phụng là vườn trầu của ông Tư Huyện, người từng gắn bó với nghề trồng trầu hơn 40 năm ở ấp Nam Lân, xã Bà Điểm. Chỉ tay vào đám cỏ mọc rậm rạp trong khu vườn rộng sắp biến thành nhà kho để cho thuê, ông Tư Huyện buồn xo: “Tiếc lắm chứ, trước đây toàn bộ diện tích này để trồng trầu, nhưng do trầu bán không có lời, tiền phân bón, mua nọc, tiền công hái trầu nuốt hết nên tôi nhổ cả ngàn gốc để xây nhà kho cho thuê”. Trước đó không lâu, ông Tư Huyện đã nhổ bỏ hơn 3.000 gốc trầu ở vườn lân cận để chia đất cho con. Cả vườn trầu hơn 5.000 gốc giờ đếm đi đếm lại còn chưa đến 1.000.

Rẽ sang ấp Tây Lân, nơi hiện còn nhiều vườn trầu nhất của xã Bà Điểm, tình hình cũng không khá hơn. Ông Sáu Đời (Cao Văn Đời), hơn 30 năm sống nhờ dây trầu, than: “Trước đây trầu bán một đôi lãi cũng được 50.000- 60.000 đồng, bây giờ xuống còn 30.000 đồng, chưa kể công chăm sóc, tưới nước bón phân”. Than như vậy, nhưng đôi mắt ông lấp lánh niềm vui khi hoài niệm về vườn trầu xưa. Trước đây, hễ có đoàn cải lương, gánh hát nào về Bà Điểm tìm vườn trầu quay phim là người ta chỉ ngay đến nhà ông. Vậy mà giờ đây, cả một vườn trầu xanh mướt cũng bị cắt ra năm bảy phần, nơi thành nhà trọ, ki-ốt cho thuê, nơi biến thành nhà cao tầng.

Ngành du lịch không mặn mà

Ý định bảo tồn 18 thôn vườn trầu trở thành khu di tích lịch sử, là nơi để học sinh- sinh viên tham quan học tập đã được chính quyền địa phương nung nấu từ lâu. Thậm chí, người dân xã Bà Điểm còn mơ 18 thôn vườn trầu trở thành địa điểm du lịch sinh thái cho khách nước ngoài đến tham quan. Năm 2003, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã đánh tiếng với Sở Du lịch và được đơn vị này hỗ trợ bằng cách mời các công ty, doanh nghiệp ngành du lịch đến khảo sát để tính toán khả năng đầu tư, quy hoạch lại 18 thôn vườn trầu.

Thế nhưng có hơn 10 doanh nghiệp đến rồi lặng lẽ ra đi không một lý do. Trong đó có các đơn vị lớn như Dịch vụ Du lịch Bến Thành, Du lịch Thanh niên Xung phong, Viettravel... Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, tỏ ra tiếc nuối: “Thấy ngành du lịch quan tâm, chúng tôi mừng lắm, chính bản thân tôi còn tham gia với đoàn khảo sát đi đến các hộ dân để vận động, lấy ý kiến. Người dân ai cũng đồng tình ủng hộ, nhưng không hiểu sao, mấy ổng “lặn” mất tiêu, không biết lý do”.

Để tìm câu trả lời, chúng tôi đến gặp ông Cao Tùng, phụ trách mảng du lịch nội địa của Dịch vụ Du lịch Bến Thành. Ông Tùng cho biết: “Thực tế đơn vị chúng tôi hoàn toàn có thể thiết kế tạo thành một tour du lịch văn hóa- sinh thái 18 thôn vườn trầu. Nhưng do cơ sở hạ tầng ở Bà Điểm còn yếu kém, hơn nữa diện tích trồng trầu cứ giảm dần, sợ chưa kịp đầu tư thì trầu đã hết!”. Đây cũng là lý do mà ông Nguyễn Minh Mẫn, phụ trách thông tin của Viettravel, đưa ra. Ông Mẫn lý giải thêm: “18 thôn vườn trầu rất có tiềm năng, nhưng địa phương không đầu tư nên không thể đưa khách đến vì không biết cho khách du lịch ăn đặc sản gì, ở đâu... Về phần này, Bà Điểm chưa có gì hết. Sắp tới, nếu Sở Du lịch có kế hoạch, hay địa phương đầu tư thì chúng tôi sẽ ủng hộ”.

Một cán bộ Phòng Nghiên cứu Phát triển của Sở Du lịch cho rằng các doanh nghiệp đưa ra những lý do trên vì họ muốn cái gì cũng dọn sẵn ra mâm mà không tự tay vào bếp chế biến. “Doanh nghiệp nào muốn có sản phẩm mới lạ cho mình thì phải biết cách khai thác, còn chờ địa phương thì biết đến bao giờ. Riêng Sở Du lịch chỉ làm trung gian để định hướng chung cho doanh nghiệp, chứ không thể trực tiếp nhảy vào cuộc”- vị cán bộ này nói.

Chỉ còn trên dưới 6 ha

Theo sách cũ, 18 thôn vườn trầu Bà Điểm- Hóc Môn được hình thành từ đầu thế kỷ 17. Địa giới khi xưa bao gồm huyện Hóc Môn, một phần quận 12 và một phần của huyện Củ Chi là Tân Phú. Xã Bà Điểm, Hóc Môn là một trong 6 thôn đầu tiên của 18 thôn vườn trầu. Nhờ thổ nhưỡng tốt nên trầu ở Bà Điểm nổi tiếng thơm ngon. Đầu thế kỷ 19, “18 thôn vườn trầu” trở nên nổi tiếng khi giống trầu này được phân phối khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Hiện nay tổng diện tích trầu cau của 18 thôn chỉ còn trên dưới 6 ha, bằng khoảng 1/3 so với trước.


Theo Thu Hồng - Người Lao Động