Top

Hà Nội có thể cải tạo toàn phần Hồ Gươm

Cập nhật 13/09/2007 10:00

Tháng 10 tới đây, các nhà khoa học của 2 nước Việt Nam và CHLB Đức sẽ tiến hành triển khai công đoạn lập dự án khả thi cho việc cải tạo toàn phần Hồ Gươm (Hà Nội) theo phương pháp hiện đại.

Đó là kết quả của nhiều lần bảo vệ và trình dự án, cuối cùng đã được UBND TP Hà Nội đồng ý cho thử nghiệm để chuẩn bị cải tạo một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô.

Hành trình hàng nghìn ngày


Trước tình trạng nước Hồ Gươm ngày càng ô nhiễm và lòng hồ bị thu hẹp do các lớp trầm tích bồi lắng hàng nghìn năm, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng về việc cải tạo nước của hồ này.

Theo thông số đo đạc của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và môi trường phát triển bền vững (CETASD) của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), trong 10 điểm khảo sát thử cách đây hơn 3 năm, có chỗ chỉ sâu chưa đến 1m do rác rưởi, bùn lấp quá dày.

Bấy giờ, nhiều giải pháp được đưa ra như cải tạo lại cống tràn để thu nước, nạo vét, khoan các giếng giữa hồ, hoặc đơn giản chỉ bổ sung thêm nước. Nhưng sau đó phương án nạo vét bùn và "tiếp nước" đã được tiến hành một số nhà khoa học đã lên tiếng rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời và khó bền vững bởi nó ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều loại thuỷ sinh của Hồ Gươm - đặc biệt là cụ Rùa.

Năm 2005, sau nhiều lần đến Việt Nam, Giáo sư Peter Wener, người Đức, công tác tại Đại học Dresden đã có ý định cải tạo Hồ Gươm bằng cách đặc biệt. Ý tưởng của ông đã phát triển thành một dự án, được giới khoa học Việt Nam đánh giá là quy mô và phù hợp nhất từ trước tới nay liên quan đến việc bảo tồn Hồ Gươm và loài rùa.

Sau khi ông cùng cộng sự chứng minh được tính khả thi của đề án này từ việc áp dụng cải tạo ao cá của Bác Hồ và nhiều lần thuyết trình khác, ngày 19.3.2007, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 1432 đồng ý cho thử nghiệm để chuẩn bị cải tạo Hồ Gươm.

Không tát nước để nạo vét

Phương pháp cải tạo Hồ Gươm của GS Peter Wener đưa ra là sẽ sử dụng một máy hút bùn nhỏ với công nghệ hiện đại của Đức để hút bùn trong lòng hồ. Hồ Gươm được khoanh thành nhiều vùng nhỏ, giữa các vùng này có thể ngăn cách bằng lưới sắt. Lưới được hạ từ trên cao xuống, mở dần dần khi chạm đáy để lùa hết các loài thủy sinh ra ngoài lưới.

Máy hút sẽ lặn sâu dưới lớp trầm tích của hồ để hút từ bên dưới. Bùn theo đó sụt dần xuống mà các loài thủy sinh sẽ không bị hút ra ngoài theo. Toàn bộ số bùn này theo đường ống được đưa lên bờ, ép thành bánh chở đi nơi khác.

Mỗi vùng nhỏ sẽ được hút trong 3 tháng. Sau đó, sẽ thực hiện tiếp ở một tiểu vùng khác của hồ. Cứ như vậy trong vòng 2 năm, toàn bộ hồ sẽ được cải tạo.

Ưu điểm của phương pháp cải tạo này là không phải hút cạn nước hồ rồi mới nạo vét, khiến bề mặt đáy hồ sẽ rất ít bị khuấy trộn. Cách hút từ từ ở dưới lên sẽ tránh gây đục nước, hạn chế hòa tan những chất độc hại có trong bùn gây ô nhiễm nước. Việc chia hồ thành các tiểu vùng nhỏ trong 3 tháng là thời gian thích hợp bởi xáo trộn gây ra không đáng kể đối với hệ sinh thái của hồ. Máy hút này cũng rất nhỏ nên sẽ không gây tiếng ồn và không ảnh hưởng đến đời sống xung quanh hồ.

Trong thời gian hút bùn, phải đảm bảo đời sống an toàn cho cụ Rùa. Cách chắn lưới là để hạn chế việc rùa di chuyển vào khu vực đang đặt máy hút. Ban đầu, việc hút bùn này sẽ được thử nghiệm tại một số hồ trong Hà Nội. Sau đó, mới áp dụng cho hồ Gươm.

PGS. TS Hà Đình Đức – Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam:

Sẽ hạn chế thấp nhất sự xáo trộn về hệ sinh thái

* Thưa Tiến sĩ, liệu đã đến lúc Hồ Gươm cần được cải tạo?

- Cải tạo Hồ Gươm đã được đặt ra từ rất lâu rồi, chỉ có điều từ trước đến giờ, chúng ta chưa có được phương án nào thực sự khả thi.

* Là người tham gia ký vào bản ghi nhớ về việc cải tạo hồ, giữa Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam và Bộ Nghiên cứu khoa học - đại học của Đức, ông thấy phương án lần này có gì ưu việt hơn những phương án đã được trình trước đây?

- Đó là vấn đề công nghệ. Công nghệ áp dụng lần này là công nghệ của Đức, là một chiếc máy có thể đi trên mặt nước với những điểm hút bùn. Các điểm này sẽ hút bùn vào máy, vắt nước, làm bùn đóng thành bánh rồi mang đi. Từ trước đến nay, để cải tạo hồ ở Hà Nội, chúng ta thường dùng biện pháp rút hết nước, cuốc, nạo vét bùn mang lên, nén đáy hồ phẳng lại rồi bơm nước trở vào. Cách làm đó đã phá hủy toàn bộ hệ sinh thái của hồ, biến một chiếc hồ tự nhiên thành một cái thùng đựng nước không hơn không kém. Kiểu làm đó rất phi khoa học, khiến các hồ phải tự hình thành một hệ sinh thái mới.

* Theo dự kiến, lượng bùn có ở Hồ Gươm sẽ là bao nhiêu?

- Bạn cứ hình dung, bình thường hồ sâu khoảng 8m, giờ đây chỗ sâu nhất của hồ chỉ còn 2m. Bùn lắng đọng đến hàng nghìn năm khiến thể tích của hồ ngày một nhỏ lại.

* Nhưng biết đâu lượng bùn đó chính là ngôi nhà sống an toàn của cụ Rùa Hồ Gươm. Nếu đúng thế, việc nạo vét bùn lên chính là cách "phá nhà" của cụ?

- Đúng là rùa sống chủ yếu ở dưới bùn. Tôi biết có những con rùa bị vùi trong cát, không hề có một giọt nước nào đến tận 1 năm rưỡi vẫn sống khỏe mạnh. Vì thế việc hút bao nhiêu bùn dưới lòng Hồ Gươm cần phải được tính toán cụ thể, đảm bảo cho sự an toàn của cụ Rùa.

* Được biết với trầm tích Hồ Gươm, việc khuấy bùn sẽ "cởi trói" cho cơ man các loại khí độc, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dân xung quanh và các động vật sống ở trong hồ?

- Hãy thử cầm một chiếc gậy, chọc xuống lớp bùn Hồ Gươm, bạn sẽ nghe thấy tiếng ục ục và các bọt khí lăn tăn nổi lên. Với độ dày hàng nghìn năm như vậy, lòng Hồ Gươm chính là nơi chứa cực kỳ nhiều kim loại nặng, rất nhiều chất độc và khí độc. Đặc biệt nếu khí CO2H2S5 mà được giải phóng thì cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, phương pháp hút bùn sao cho không khuấy động đến các trầm tích bên dưới là điều mà các nhà khoa học cần quan tâm.

* Trong đề xuất ban đầu về phương án cải tạo Hồ Gươm lần này, thấy có nói đến việc sẽ làm thử một số hồ ở Hà Nội, nếu thành công thì mới áp dụng cho Hồ Gươm. Nhưng làm gì có hồ nào giống với Hồ Gươm về mặt sinh thái? Cũng chẳng có hồ nào là nơi sống của cụ Rùa linh thiêng...

- Tôi cũng nghĩ như vậy. Hồ Gươm cực kỳ đặc biệt, nhất là hệ vi tảo tạo nên màu xanh duy nhất cho hồ. Vậy nên việc áp dụng phương pháp này để cải tạo một số hồ cũng chỉ nên lấy làm tham khảo để có thêm kinh nghiệm thôi. Còn cơ bản vẫn phải khảo sát kỹ lưỡng trên chính bản thân Hồ Gươm.

* Người ta cũng có ý định là sẽ làm từng phần Hồ Gươm, vừa làm vừa nghe ngóng, nếu thấy có gì nguy hiểm thì dừng lại. Nhưng với Hồ Gươm, một thắng cảnh có hàng nghìn năm tuổi, đâu có thể áp dụng cái cách cứ làm, sai đâu sửa đó?


- Tất nhiên, để cải tạo Hồ Gươm, người ta phải kiểm tra kỹ lưỡng để chọn phương án ít ảnh hưởng đến sinh thái và các sinh vật sống dưới hồ. Sẽ có những nghiên cứu về nước, về biến đổi môi trường... trước, trong và sau khi làm.

* Trong lúc hồ được cải tạo mà vẫn để cụ Rùa sống ở đó thì có sợ máy vô tình "hút" luôn cả cụ?

- Theo chỗ tôi biết, trong lúc làm, người ta sẽ buông lưới để bảo vệ cụ Rùa tránh khỏi khu vực đang cải tạo.

* Có thể đảm bảo phương pháp lần này sẽ tạo cho hệ sinh thái của Hồ Gươm không bị xáo trộn?

- Chắc chắn hệ sinh thái sẽ bị xáo trộn. Có điều là hạn chế đến mức thấp nhất mà thôi.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ.  


Theo Gia Đình & Xã Hội