Top

Xây dựng sai phép: Theo đuôi giải quyết hậu quả!

Cập nhật 13/09/2007 11:00

Mới đây, UBND TPHCM đã có dự thảo "Quyết định về việc xử lý các công trình xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1.7.2004" đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các quận, huyện. Tuy nhiên, một lần nữa thành phố lại nhượng bộ, cho tồn tại đối với các công trình xây dựng không phép.

Chỉ tính từ 1.7.2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực) tại TPHCM đã phát sinh thêm hơn 11.000 công trình xây dựng không phép, sai phép.

Bài 1Xây dựng không phép - căn bệnh kinh niên

Xây dựng không phép đã trở thành căn bệnh kinh niên của thành phố, đặc biệt là các quận, huyện ngoại thành. Hàng chục vụ xây dựng không phép quy mô lớn đã được phát giác, chính quyền kéo "đại quân" xuống cưỡng chế tháo dỡ, thế nhưng vẫn không ngăn được tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Vì sao như vậy?

Bó tay với xây dựng không phép


Trong năm 2007, vụ xây dựng không phép kinh thiên động địa nhất trên địa bàn thành phố xảy ra trên địa bàn phường Bình Hưng Hoà (BHH), quận Bình Tân. Theo ông Huỳnh Văn Biết - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, khu vực bùng phát tình trạng xây dựng không phép trong thời gian qua nằm trên địa bàn Khu phố 3 (trên diện tích khoảng 4ha), phường BHH.

Theo quy hoạch chung, đây là khu vực đất nông nghiệp dự trữ, nhưng đã xuất hiện một số khu dân cư tự phát. Trong khi quận Bình Tân đang thực hiện quy hoạch chi tiết 1/2000 cho khu vực này. Theo đó, khu vực này sẽ là khu công viên cây xanh và trường học. Quy hoạch này đã được công bố và lấy ý kiến của người dân vào ngày 16.12.2006.

 Tiếp đó, ngày 19.12.2006, các lực lượng chức năng của phường BHH và quận Bình Tân đã phát hiện tình trạng xây dựng không phép hàng loạt với hàng trăm người tham gia (sau này thống kê lại có tổng cộng 54 căn nhà được xây dựng trong 1 đêm).

Ngay lập tức, các lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và đình chỉ vi phạm xây dựng không phép. Ngay khi lực lượng chức năng tiến hành tạm giữ vật liệu, phương tiện xây dựng một căn nhà không có người thừa nhận thì lập tức bị một số đối tượng chống đối. Những người tổ chức xây dựng không phép đã bao vây, tạm giữ lực lượng trật tự đô thị quận Bình Tân...

9 ngày sau (đến 28.12.2006) có 116 căn nhà xây dựng không phép mọc lên); Và đến ngày 19.1.2007, tiếp tục phát sinh thêm 30 căn nữa. Trước đó, khu vực này cũng đã có 69 trường hợp xây dựng không phép. Như vậy tổng số nhà xây dựng không phép là 215 căn.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Biết - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, về nguyên nhân, có thể khi công bố quy hoạch cây xanh và trường học, một số đầu nậu vốn trước đó mua đất bằng giấy tay thấy quyền lợi của mình bị động chạm nên tổ chức xây dựng để đặt chính quyền trước việc đã rồi và dùng số đông để gây áp lực với chính quyền. Sau đó, nhà xây dựng không phép tiếp tục phát sinh lên đến hơn 400 trường hợp.

Đối với trường hợp của phường Hiệp Bình Chánh (HBC), quận Thủ Đức, tình trạng xây dựng không phép theo Thanh tra Sở Xây dựng, chỉ tính từ thời điểm Luật Xây dựng có hiệu lực từ 1.7.2004 đến cuối tháng 3.2007, trên địa bàn phường HBC đã phát sinh 1.018 trường hợp vi phạm xây dựng, trong đó chủ yếu là xây dựng không phép trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất 687 trường hợp.

Xử lý xây dựng không phép - nơi rắn, nơi mềm


Đối với vụ xây dựng không phép ở phường BHH, quận Bình Tân, do tính chất nghiêm trọng, thành phố đã chỉ đạo phải xử lý rốt ráo. Đến nay toàn bộ hơn 400 trường hợp xây dựng không phép đã bị cưỡng chế tháo dỡ hoặc người dân tự động tháo dỡ. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp hiếm hoi biện pháp xử lý rắn nhất được áp dụng, còn hầu hết các trường hợp đều xử lý bằng cách... cho tồn tại.

Điển hình như phường HBC. Dù tình trạng xây dựng không phép âm ỉ diễn ra trong nhiều năm nhưng cả UBND phường HBC và quận Thủ Đức lại xử lý đối với các trường hợp xây dựng không phép dễ dãi một cách khó hiểu.

Chẳng hạn trong năm 2005, trong số 317 trường hợp vi phạm, chỉ có 32 trường hợp được phường báo cáo và chuyển lên cho quận Thủ Đức xử lý; năm 2006, chỉ có 26 trường hợp chuyển về quận xử lý.

Trong số 58 vụ xây dựng không phép phức tạp được phường báo cáo lên quận để xử lý thì UBND quận Thủ Đức đã không ra bất cứ quyết định nào để tiến hành cưỡng chế theo như quy định.

Nhận định về nguyên nhân của tình trạng xây dựng không phép bùng phát tại phường HBC, quận Thủ Đức, Thanh tra Sở Xây dựng cho rằng, chính quyền địa phường không cương quyết thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, không ban hành quyết định cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng không phép nên không răn đe được người dân, khiến xây dựng không phép tiếp diễn.

Thậm chí, trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra đã tổ chức một số cuộc kiểm tra thực tế và đã phát hiện gần 30 trường hợp vi phạm xây dựng, dù trước đó, hầu hết các trường hợp này đều đã bị phường HBC lập biên bản xử lý vi phạm và người dân cũng biết thành phố đang mở đợt thanh tra xây dựng tại phường.

Ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, hơn 1.000 căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp cho đến nay vẫn còn tồn tại cũng bởi tình trạng nương nhẹ trong xử lý... Điều này cũng giải thích vì sao, mặc cho chính quyền cưỡng chế, người dân vẫn tiếp tục vi phạm xây dựng.

Theo Đặng Ngọc - Lao Động