Giá nhà còn cao, thời gian sở hữu nhà có hạn, ngân hàng chưa cho vay vốn là ba trong những rào cản gây khó khăn cho việc mua nhà ở Việt Nam.
Ngay trong những ngày đầu năm Kỷ Sửu, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trò chuyện với ông Kim Kyu, nhà báo - nhà giáo kiêm chủ biên tạp chí song ngữ Hàn - Việt Good Morning Vietnam (Chào ngày mới Việt Nam) (ảnh), về việc thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Theo ông Kim Kyu, việc thí điểm trên được áp dụng gần một tháng nay thực sự là một tín hiệu vui cho những doanh nhân, người nước ngoài đến làm ăn lâu dài ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Cộng đồng Hàn Quốc ở TPHCM với số lượng lên đến hàng ngàn người cũng mong muốn mua được nhà ở Việt Nam như bao người nước ngoài khác. Tuy nhiên, việc mua nhà hiện nay gặp không ít khó khăn do một phần từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng cái chính là vẫn còn những rào cản khiến cho nhiều người e ngại.
Thứ nhất, là giá căn hộ cao cấp ở Việt Nam còn khá cao so với mua nhà ở Hàn Quốc. Một căn nhà ở trung tâm TP hiện chí ít cũng phải từ 100.000 USD đến 500.000 USD, thậm chí có căn gần cả triệu USD. Nếu mua căn hộ giá rẻ thì vấn đề an ninh, quan hệ cộng đồng gặp không ít khó khăn bởi sự khác biệt ngôn ngữ, tập quán sinh hoạt... Chưa kể, một số người có tâm lý ngán ngại những thủ tục hành chính khi làm giấy tờ sở hữu nhà ở Việt Nam, còn một số chủ dự án khi bán căn hộ chẳng buồn hoàn tất các thủ tục để người nước ngoài có thể làm giấy tờ.
Thứ hai, theo nghị quyết về người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam (có hiệu lực từ 1-1-2009), chính sách này sẽ thí điểm trong 5 năm. Tuy vậy, để được hưởng quyền lợi này, cá nhân và tổ chức nước ngoài phải hội đủ một trong các điều kiện sau: kết hôn với người Việt Nam, đầu tư, kinh doanh hoặc có cống hiến đặc biệt được Chủ tịch nước và Thủ tướng tặng bằng khen... Điểm đặc biệt là thời hạn sở hữu nhà ở Việt Nam chỉ được 50 năm, trong khi ở Hàn Quốc và một số nước khác thời hạn này là vĩnh viễn. Đây là một vấn đề cũng khá bất lợi về tâm lý của người muốn mua nhà bởi sợ chính sách Việt Nam có thể thay đổi.
Thứ ba, việc các ngân hàng vẫn chưa có những chính sách nhằm mở “hầu bao” cho vay đối với người nước ngoài muốn mua nhà ở Việt Nam. Thông thường, người Hàn Quốc đã có nhà ở trong nước, khi ra nước ngoài mua nhà thường nhắm đến việc vừa để làm văn phòng vừa để ở... nhằm đỡ gánh nặng chi phí. Nếu dùng một số tiền khá lớn vào việc mua căn nhà sẽ “chôn” phần tiền để làm ăn gây khó khăn khi cần vốn lưu động. Đơn cử, muốn mua một căn hộ trị giá 100.000 USD, vốn chỉ có 70.000 USD, phần còn lại 30.000 USD hiện không có ngân hàng nào cho vay cả. Nếu ngân hàng không cho vay phần còn lại, chắc chắn người muốn mua nhà cũng chưa thật sự muốn mua vào lúc này.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: