Top

Người gốc Việt được phép mua nhà

Cập nhật 28/09/2008 10:00

Hơn hai năm kể từ thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực, các cơ quan chức năng vẫn chưa hướng dẫn việc xác nhận thời hạn cư trú của Việt kiều.

Hơn 150 câu hỏi của bạn đọc được gửi đến tham gia buổi giao lưu trực tuyến “Nhà ở cho Việt kiều” do Báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức vào sáng qua (27-9).

Mở rộng đối tượng Việt kiều mua nhà

Nhiều Việt kiều đang sinh sống tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp... rất quan tâm đến các điều kiện được mua nhà ở trong nước. Ông Tony Tuân (tontuan@yahoo.ca) muốn mua một căn nhà tại Việt Nam để thỉnh thoảng về ở. Một phụ nữ đã xuất cảnh theo chồng muốn về Việt Nam mua nhà cho người thân ở; một số người muốn có căn nhà để sau này về nước dưỡng già v.v...

Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: “Theo Điều 126 Luật Nhà ở, chỉ có một số đối tượng Việt kiều được mua nhà ở. Đó là Việt kiều về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp cho đất nước, nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Những người thuộc diện này sẽ được sở hữu một hay nhiều căn nhà theo khả năng. Ngoài ra, những Việt kiều đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên cũng được quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ”.

Phải hiểu sao về việc cư trú sáu tháng? Bạn đọc Nguyễn Đăng Nhường (556 Trần Hưng Đạo, quận 5) hỏi: “Có được cộng dồn các lần về thăm nhà để được ghi nhận là đã cư trú sáu tháng hay không?”. Ông Hùng: “Việt kiều phải cư trú sáu tháng liên tục chứ không được cộng dồn thời gian ở Việt Nam trong nhiều lần đi, về. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan về việc xác nhận thời hạn cư trú của Việt kiều”.

Một Việt kiều tại Úc lại muốn mua đất xây nhà ở để chuẩn bị hồi hương. Theo ông Hùng, Việt kiều sau khi hồi hương về Việt Nam có quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở như công dân ở trong nước. Trường hợp đang định cư ở nước ngoài, Việt kiều thuộc diện quy định chỉ được mua nhà đã xây dựng sẵn.

Những Việt kiều không còn quốc tịch Việt Nam nhưng có vợ (chồng) đang sinh sống trong nước hoặc có trình độ đại học trở lên hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội có được ưu tiên gì trong việc mua nhà ở? Ông Hùng đã giới thiệu ngay dự án sửa đổi Luật Nhà ở để nhiều người tham khảo kèm theo lưu ý: “Dự án này chưa được Quốc hội thông qua và tất nhiên chưa có hiệu lực”.

Theo dự án, có ba nhóm Việt kiều được mua nhà ở trong nước: người còn quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt nhưng không còn quốc tịch và thuộc một trong các diện như về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; đã kết hôn với người Việt Nam sống trong nước; người có công với đất nước, hoặc có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế-xã hội. Hai nhóm này được phép mua nhà ở trong nước với số lượng mong muốn. Đối với những người gốc Việt không thuộc các diện như trên nhưng được phép cư trú tại Việt Nam từ sáu tháng trở lên hoặc được cấp giấy miễn thị thực thì chỉ được sở hữu một căn nhà.

Quyền định đoạt nhà của Việt kiều

Theo Luật Nhà ở, chỉ những Việt kiều thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam mới được đứng tên trên “giấy hồng”. Các đối tượng Việt kiều còn lại chỉ được hưởng giá trị nếu được tặng cho, nhận thừa kế nhà. “Vậy Việt kiều không được đứng tên nhà có thể đứng tên mua bán, tặng cho nhà ở tại Việt Nam?” Ông Hùng quả quyết: “Được. Tiền bán nhà tại Việt Nam sẽ được đem ra nước ngoài theo quy định của pháp luật”.

Đối với những trường hợp được phép sở hữu nhà tại Việt Nam, Việt kiều được quyền định đoạt nhà ở như người trong nước. Khi đi công chứng hợp đồng mua nhà, Việt kiều phải xuất trình các loại giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người đó thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở, hộ chiếu của Việt Nam (hoặc giấy tờ xác nhận gốc Việt Nam). Thủ tục cấp “giấy hồng” cho Việt kiều được thực hiện tại UBND cấp huyện chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

Đối với những căn nhà mà trước khi xuất cảnh, Việt kiều chưa có giấy tờ hợp pháp hoặc chỉ mới có “giấy trắng” (những loại giấy tờ nhà được cấp theo quy định trước đây) thì hiện chưa có hướng dẫn việc cấp “giấy hồng”.



Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng trả lời trực tuyến
bạn đọc trong và ngoài nước. Ảnh: HTD


Trường hợp nào được lấy lại nhà ở?


Nhiều Việt kiều từng có nhà ở tại Việt Nam, nay có thể trở về nhận lại nhà? Ông Hùng hướng dẫn: “Nếu những căn nhà đó đã được nhà nước quản lý, xác lập sở hữu toàn dân, chủ cũ không thể đòi lại nhà. Ngược lại, tùy thời điểm giao dịch nhà được xác lập trước hay sau 1-7-1991, chủ sở hữu có thể căn cứ vào các quy định phù hợp để nhận lại nhà”.

Những trường hợp có quan hệ cho mượn, ở nhờ, cho thuê... nhà ở trước ngày 1-7-1991 (nhà thuộc sở hữu tư nhân) thì nay chủ sở hữu có thể liên hệ với những người đang sử dụng nhà để lấy lại nhà theo Nghị quyết 1037 ngày 27-7-2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một bạn đọc ngụ Cần Thơ thắc mắc về cách tính giá trị đối với phần nhà mà người chị đã làm thêm trong quá trình ở nhờ trước 1-7-1991. Ông Hùng cho biết người ở nhờ được quyền đòi lại giá trị nhà đã xây dựng thêm. Nếu phần xây dựng thêm có thể sử dụng riêng biệt thì người ở nhờ được công nhận quyền sở hữu (và phải thanh toán tiền đất cho bên cho ở nhờ). Nếu phần xây thêm không thể sử dụng riêng biệt thì người cho ở nhờ có thể lấy toàn bộ diện tích nhà được xây thêm và phải thanh toán cho người ở nhờ giá trị đầu tư xây dựng còn lại tại thời điểm thanh toán.

Nhiều trường hợp nhà có đồng sở hữu chủ là Việt kiều, khi bán nhà đã nộp “phần vắng” cho nhà nước, nay muốn nhận lại phần tiền đã đóng. Ông Hùng hướng dẫn: “Việt kiều có thể về nước để trực tiếp làm thủ tục nhận lại tiền hoặc ủy quyền cho người thân trong nước nhận”.

www.DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP