Top

“An cư lạc nghiệp”

Cập nhật 07/01/2009 15:35

Trong hàng loạt chính sách được áp dụng ngay từ đầu năm 2009, việc từ nay người nước ngoài sẽ được thí điểm mua nhà ở Việt Nam được xem là động thái quan trọng, vừa thể hiện sự cởi mở trong chính sách đối với người nước ngoài của Việt Nam, vừa góp phần kích cầu cho thị trường bất động sản đang trầm lắng.

Song hơn hết, đây còn là một trong những biện pháp được cho là rất quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, qua đó thúc đẩy làn sóng đầu tư đến Việt Nam trong tương lai.

Lâu nay, chi phí thuê nhà cao là một trong những phàn nàn thường xuyên nhất của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm việc, khiến môi trường đầu tư của Việt Nam phần nào bị "mất điểm". Phần đông trong số họ đã bày tỏ mong muốn được sở hữu một căn hộ ở Việt Nam và rất mừng khi Quốc hội quyết định thí điểm cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Thống kê cho thấy, có ít nhất 10.000 người nằm trong diện đủ điều kiện mua nhà trong tổng số khoảng 80.000 người nước ngoài làm ăn và sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Đúng như ông cha ta xưa đã nói: "An cư lạc nghiệp", việc có một ngôi nhà riêng ở Việt Nam chắc chắn sẽ có tác động lớn đến quyết định đầu tư và làm ăn lâu dài của họ tại Việt Nam. Mà trong thu hút đầu tư, cái mà chúng ta cần chính là những dự án dài hơi, đóng góp nhiều cho tăng trưởng, chứ không phải là những dự án mang tính ăn xổi.

Ở đây, cũng không loại trừ việc xuất hiện tình trạng đầu cơ bất động sản. Vì thế, các điều kiện ràng buộc cần thiết phải được đưa ra. Về lâu dài, khi chủ trương này không còn là thí điểm, mà đã được mở rộng và chính thức, thì cần có những chính sách hợp lý và hoàn chỉnh hơn, vừa đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, vừa ngăn chặn được tình trạng đầu cơ bất động sản.

Khi ấy, đòi hỏi một thị trường bất động sản Việt Nam phải đủ minh bạch và được giám sát chặt chẽ. Còn hiện tại, dư luận đang chờ đợi một hướng dẫn cụ thể để chủ trương cho phép người nước ngoài mua nhà trở thành hiện thực và được triển khai thông suốt trên thực tế.

Ở đây, bài học về việc triển khai bán nhà cho bà con Việt kiều theo Nghị quyết 1037 ngày 27/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia cần được đánh giá một cách đầy đủ, để Nghị quyết mới của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống.

Rõ ràng, việc cho tới thời điểm tháng 9/2008 mới có khoảng 130 Việt kiều mua được nhà ở Việt Nam và dù chủ yếu được tập trung ở TP.HCM, song trong nhiều năm, Thành phố này cũng chỉ cấp được giấy chủ quyền nhà cho 107 trường hợp Việt kiều đứng tên sở hữu đã cho thấy sự bất cập của các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Một khi quy định pháp luật còn chưa rõ ràng, thì nhiều Việt kiều vẫn phải mua chui, hoặc nhờ người khác đứng tên. Điều đó cũng có nghĩa là, quy định pháp luật dù thông thoáng, nhưng đã không phát huy được hiệu quả trong thực tế.

Cùng với chính sách cho người nước ngoài được mua nhà, việc kể từ ngày 1/1/2009, Việt Nam sẽ áp dụng mức 25% đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, mở cửa thị trường bán lẻ, thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, giảm cước thuê bao điện thoại cố định... Tất cả những điều đó cũng có thể coi là những động thái quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp để kích cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh, có thể nói, những chính sách này sẽ góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn suy giảm kinh tế.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư