Top

Nhà của một số Việt Kiều bao giờ được trả?

Cập nhật 31/08/2007 16:00

Sau khi Nghị quyết 1037/2006 - NQ - UB TV QH 11 ngày 27/7/2006 "về giao dịch dân sự nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia" của Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành, nhiều Việt Kiều hy vọng sẽ được về sinh sống trong ngôi nhà cũ của mình, nhưng đã tròn năm mà các quy định của Nghị Quyết này chưa được triển khai.

Dù xa xứ do nguyên nhân gì, trong tâm tư người Việt vẫn đau đáu về quê hương đất tổ, nhớ đến ngôi nhà nơi họ đã trải qua tuổi thơ trong vòng tay yêu thương của những người thân, ghi nhớ biết bao kỷ niệm. Nghị quyết 1037/2006 - NQ - UB TV QH 11 của UBTV Quốc Hội ban hành và có hiệu lực ban hành từ ngày 1/9/2006 đã mang lại cho nhiều Việt Kiều hy vọng được sống trong ngôi nhà thân yêu. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, nghị quyêt này có hiệu lực tròn năm mà chưa có trường hợp nào được xem xét!

Các đối tượng thuộc chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa (quản lý nhà) đã được Nghị quyết 23/2003 QH 11 quy định bao gồm: Diện tích cải tạo nhà đất cho thuê, diện tích cải tạo công thương nghiệp, tư bản tư doanh, diện tích 2/4, nhà đất vắng chủ, nhà đất của các hội đoàn, tôn giáo, nhà đất của những nguời di tản, chuyển vùng hoặc ra nước ngoài… trong khi đó có nhiều Việt kiều không thuộc thành phần cải tạo xã hội chủ nghĩa như đã thành lập trong Nghị quyết 23 đã nêu trên mà còn có trường hợp bản thân và gia đình họ thuộc trường hợp gia đình có công với cách mạng, xuất cảnh hợp pháp… nhưng nhà của họ vẫn đưa vào diện quản lý và đưa vào diện xác lập sở hữu nhà nước.

Chỉ vì khi đi xuất cảnh họ phải làm giấy xác nhận không có nhà đất ở Việt Nam. Trong đó có trường hợp vì lý do này khác, nhà của họ cho cơ quan nhà nước thuê mượn trong thời gian trước đó; hoặc phải làm thủ tục giao nhà cho Nhà nước “quản lý” khi xuất cảnh sau đó cơ quan quản lý nhà làm thủ tục xác lập sở hữu nhà nước luôn (quản lý sai đối tượng). Đối với trường hợp này thì theo tinh thần Nghị quyết 1037/2006 nói trên là không thuộc diện cải tạo xã hội chủ nghĩa và việc xác lập sở hữu nhà nước là không đúng.

Nghị quyết 1037 đã dự liệu ở điều 30 các trường hợp Việt kiều cho thuê, mượn nhà trong nước được trả lại nhà. Để đơn giản hóa và áp dụng qui định này trong thực tế, có thể đặt ra một số nhóm đối tượng để giải quyết.

1. Trường hợp nhà đất hóa giá cho người khác. Nếu Việt kiều là chủ cũ của ngôi nhà đó đã bồi thường hoặc tham gia đầu tư về nước, đáp ứng yêu cầu của Luật nhà ở… Nhà nước có thể tạo điều kiện cho họ và cho người đang sử dụng tự thỏa thuận với nhau, để người chủ cũ được chuộc lại nhà. Cũng có thể nhà nước cho Việt kiều đó được mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước.

2. Trường hợp nhà chưa hóa giá cho người khác thì cho phép chủ cũ là Việt kiều được nhận lại nhà. Người chủ cũ có nghĩa vụ đóng góp kinh phí vào quỹ quản lý phát triển nhà địa phương, đồng thời hoàn thiện cho người sử dụng căn nhà đó chi phí sửa chữa, xây dựng (nếu có).

3. Đối với trường hợp Việt kiều là sở hữu chủ cũ của bất động sản nhà nước đã xác lập sở hữu, thì có vị trí thuận lợi, là điền sản diện tích lớn có thể mang lại hiệu quả cao khi khai thác kinh doanh.. nếu nhà nước chưa hóa giá cho tổ chức cá nhân nào thì nên ưu tiên cho Việt kiều đó, do chính bản thân họ, hoặc liên kết với các tổ chức cá nhân khai thác kinh doanh. Ngoài ra có thể ưu đãi khác cho họ về nghĩa vụ tài chính như tiền thuê đất, hoặc cho họ được hưởng quyền tiên mãi (ưu tiên mua) khi Nhà nước đấu giá…

Hiện nay tại các thành phố lớn có hàng chục ngôi nhà, thửa đất có nguồn gốc vắng chủ thuộc các đối tượng không thuộc diện cải tạo xã hội chủ nghĩa như nói trên đang bị một số đơn vị cá nhân sử dụng lãng phí, gây bất bình trong xã hội.

Có thể đã đến lúc Nhà nước cần giải quyết rốt ráo, triệt để cho đối tượng này để có thể vừa sử dụng hữu hiệu khối tài sản này, lợi nhuận thu được từ việc giải quyết nhà đưa vào quỹ phát triển nhà để tạo lập nhà cho những người có thu nhập giới hạn như cán bộ - công nhân viên, cán bộ, y tế, giáo chức, công nhân, nông dân. Nhưng điều được lớn hơn nữa là tạo được tình cảm tốt đẹp, sự tin tưởng nơi những người con xa xứ.

Nghị quyết 1037 – Điều 30. Phương thức trả lại nhà ở

1. Trường hợp cơ quan, tổ chức phải trả lại nhà ở cho bên thuê, bên cho mượn thì tùy từng trường hợp, các bên có thỏa thuận việc trả lại nhà ở theo các phương thức sau đây:

a. Trả nhà ở mà cơ quan, tổ chức đang quản lý, sử dụng;

b. Trả bằng nhà ở nơi khác;

c. Trả bằng tiền;

d. Nhà nước giao đất ở cho bên thuê, bên cho mượn nhà ở mà họ không trả tiền sử dụng đất.

2. Trường hợp nhà ở thuê, mượn đang được sử dụng cho cá nhân ở hoặc tuy đang được sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình công cộng nhưng không thuộc trình trạng quy định tại khoản 3 Điều này thì cơ quan tổ chức phải trả lại nhà ở đó cho bên cho thuê, cho mượn theo quy định của Nghị Quyết này.

3. Trong trường hợp nhà cho thuê, mượn đang sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; hoặc tọa lạc tại khu vực không được quy hoạch làm nhà ở thì việc trả lại nhà ở thực hiện theo các phương thức quy định tại điểm a,b,c và d khoản 1 điều này.


Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần