Đề án thí điểm cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian thực hiện do các Luật Đất đai và Nhà ở đều chưa cho phép người ngoại quốc sở hữu nhà đất.
Tháng 7 vừa qua, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Đề án thí điểm cho người nước ngoài mua nhà. Nếu đề án này được hiện thực hóa, sẽ có khoảng 21.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đủ điều kiện mua nhà.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các thủ tục liên quan đến đề án sẽ "ngốn" rất nhiều thời gian trước khi người nước ngoài chính thức được mua nhà tại Việt Nam. Một thành viên ban soạn thảo đề án cho biết, đến nay vướng mắc lớn nhất là các luật liên quan như Luật Đất đai và Luật Nhà ở đều chưa đề cập đến việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Vì thế, nếu cho phép người nước ngoài mua nhà, sẽ phải sửa đổi các luật này.
Theo ban soạn thảo Đề án, hiện có 2 hướng để hiện thực hóa đề án. Thứ nhất là sửa đổi Luật Nhà ở, sau đó ban hành Nghị định về việc cho người nước ngoài mua nhà. Tuy nhiên, cách làm này sẽ rất mất thời gian vì việc sửa đổi luật sẽ phải do Quốc hội quyết định cùng nhiều thủ tục khác trước khi có thể triển khai.
Một hướng khác được ban soạn thảo đề xuất là Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cho người nước ngoài mua nhà. Sau vài năm thực hiện thí điểm, mới tiến hành sửa đổi Luật Nhà ở cho phù hợp và áp dụng rộng rãi. Theo cách này, đề án có thể thực hiện nhanh chóng hơn và có những chỉnh sửa phù hợp trong quá trình thí điểm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ xây dựng), Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và thực hiện đề án, song hiện chưa quyết định sẽ thực thiện theo hướng nào.
GS - TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, cũng cho rằng, thực hiện đề án theo hướng Quốc hội thông qua Nghị quyết cho phép người nước ngoài mua nhà sẽ có lợi hơn. Song ông cũng nhấn mạnh, cần có cơ chế thực hiện đề án thí điểm tốt thì đề án mới mang lại hiệu qua thực sự. Năm 2004, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thí điểm cho phép người nước ngoài thuê đất trực tiếp từ các hộ gia đình. Song, do Luật Đất đai không có quy định này, đến nay vẫn không có tiến triển trong việc thí điểm.
"Cần làm sao để khung pháp lý cho đề án này có tính khả thi cao, mang lại hiệu quả thực tế và có tác động tích cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam", ông Võ nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong thời gian đầu, đề án sẽ có tác dụng tâm lý hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản. Theo đó, đề án này sẽ là một bước khẳng định với các nhà đầu tư nước ngoài về việc Việt Nam ngày càng rộng mở đối với các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho họ có nơi ở ổn định. Về lâu dài, theo ông Võ, cùng với tác động của việc Việt Nam là thành viên của WTO, đề án cho người nước ngoài mua nhà sẽ khiến thị trường sôi động hơn rõ rệt.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: