Top

Chuyên gia: Sẽ không có làn sóng người nước ngoài mua nhà

Cập nhật 04/09/2013 13:03

Đề xuất của Bộ Xây dựng về việc nới lỏng quy định cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhóm khách hàng tiềm năng này cho thị trường bất động sản.

Ông Stephen Wyatt, tân tổng giám đốc tại Việt Nam của Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle
Sau năm năm thực hiện thí điểm, số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam khá khiêm tốn, chỉ khoảng 120 trong tổng số 80.000 người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam.

Vấn đề là nếu quy định được nới lỏng liệu người nước ngoài có sẵn sàng bỏ tiền ra mua nhà như kỳ vọng hay không. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online có dịp trao đổi với ông Stephen Wyatt, tân tổng giám đốc tại Việt Nam (country head Vietnam) của Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle về vấn đề này.

* Online: Sau năm năm thực hiện với kết quả khá khiêm tốn, Bộ Xây dựng vừa đưa ra đề xuất sẽ cho phép người nước ngoài có thị thực nhập cảnh (visa) vào Việt Nam ba tháng là có thể mua nhà tại đây. Ông nhận xét gì về đề xuất này?

 Ông Stephen Wyatt: Có thể nói người nước ngoài thời gian vừa qua khá thờ ơ, lãnh đạm với chương trình thí điểm cho phép họ mua nhà tại Việt Nam. Số lượng người nước ngoài đã mua nói lên điều ấy.

Theo tôi còn có một số lý do tác động vào việc này. Trước hết là tình hình kinh tế trong nước và thị trường bất động sản trong năm năm qua khá khó khăn, trong khi phần lớn người nước ngoài muốn mua nhà lại tìm kiếm những nơi an toàn hơn để đầu tư, chẳng hạn như London, New York, Hồng Kông hay Singapore. Thứ đến là quy định về cho phép sở hữu nhà tại Việt Nam cũng chưa rõ ràng đối với nhiều người nước ngoài, một phần vì rào cản ngôn ngữ.

* So với các nước khác trong khu vực, liệu quy định mới, nếu được phê duyệt, có đủ thoáng cho những người nước ngoài như ông mua nhà tại đây, thưa ông?

 Mỗi nước đều có luật lệ riêng của mình đối với người mua nhà là người nước ngoài. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định mới của Việt Nam cũng phải đi theo hướng chung được nhiều người nước ngoài chấp nhận. Đặc biệt là đối với thời hạn sở hữu có thể gia hạn trên 50 năm, hay thời hạn sở hữu có thể gia hạn thêm 50 năm nữa. Điều đó phải rõ ràng, minh bạch.

* Có ý kiến cho rằng giá nhà tại Việt Nam quá cao, khiến nhiều người nước ngoài không muốn mua. Ông nghĩ gì về điều này?

Giá nhà ở nơi nào trên thế giới cũng đều phải dựa trên động lực cung cầu, và Việt Nam cũng không có ngoại lệ. Hiện thị trường nhà ở của Việt Nam đang ở giai đoạn cung vượt cầu ở phân khúc căn hộ trung cấp, và đó là lý do nhiều người nói giá nhà hiện nay quá cao.

Là một công ty nghiên cứu và hiểu thị trường, chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều cơ hội cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam với mức giá hợp lý trên thị trường.

* Nhưng với giá nhà hiện nay, người nước ngoài như ông nên mua hay đi thuê nhà ở?

Chuyện nhà đối với mỗi người ở mỗi nước cũng khác nhau, chẳng hạn như người Anh thích mua nhà và dùng nó như một phần của kế hoạch lương hưu của họ. Trong khi đó ở Đức hay ở Pháp, nhiều người lại muốn đi thuê thay vì mua nhà vì họ không muốn ràng buộc với trách nhiệm và cam kết thế chấp nhà dài hạn.

Nhiều người lạc quan cho rằng nếu được phê duyệt, đề xuất nới lỏng quy định cho người nước ngoài mua nhà cũng sẽ cung cấp cho thị trường bất động sản một nguồn khách hàng tiềm năng, qua đó giúp giải quyết bớt hàng tồn kho. Ông nghĩ sao?

 Trong lúc nhiều người ủng hộ và tin điều này sẽ tác động tích cực lên thị trường bất động sản, tôi nghĩ không có khả năng sẽ có một làn sóng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Giải pháp nới lỏng quy định đối với đối tượng này đâu có nhanh chóng sắp xếp lại thị trường nhà ở, nhưng phần nào đó nó sẽ giúp thị trường nhà ở chuyển động.

Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn