Top

Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Cập nhật 27/08/2013 10:16

Xung quanh việc Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 19/2008/QH12, về thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã có cuộc trò chuyện với PV.

Với chính sách mới, cơ hội cho người nước ngoài
mua nhà ở Việt Nam nhiều lên
Ảnh: Hoàng Long

* PV: Thưa Thứ trưởng, Nghị quyết số 19/2008/QH12 tính đến nay mới đưa vào thực hiện được 5 năm. Vì sao Bộ đề xuất Chính phủ sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Theo Nghị quyết số 19/2008/QH12 được ban hành từ năm 2009 quy định những đối tượng như cá nhân nước ngoài trực tiếp đầu tư tại Việt Nam, có công đóng góp cho Việt Nam, đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên, cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng kể trên chỉ được mua và sở hữu căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại và phải có thời gian cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên. 

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết, tính đến hết quý 2/2013 trên phạm vi cả nước chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa… Điều đó cho thấy chính sách này còn có những hạn chế nên vẫn chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam

* Vậy lần sửa đổi này, nội dung Nghị quyết sẽ tập trung vào vấn đề gì, thưa ông?

Ngoài các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tại Nghị quyết số 19/2008/QH12, lần sửa đổi này cho phép các Quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, các cá nhân được cấp visa vào Việt Nam từ 03 tháng trở lên cũng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ trừ các tổ chức và cá nhân đang làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam. 

Về loại nhà, Bộ Xây dựng đề nghị cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ (bao gồm cả nhà biệt thự và nhà liền kề).

Về số lượng nhà ở, phương án thứ nhất cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng tại Việt Nam. Phương án thứ hai, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu không quá 2 căn hộ, nhà ở riêng lẻ. 

Trường hợp mua và sở hữu nhà ở riêng lẻ thì chỉ cho phép mua nhà ở với diện tích không quá 500m2 gắn liền với quyền sử dụng đất thuê trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới hoặc tại các dự án bất động sản du lịch tại Việt Nam. Chỉ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua không quá 30% số lượng căn hộ trong 1 tòa nhà chung cư thương mại của dự án, không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu quá 250 căn nhà ở riêng lẻ trên 1 đơn vị hành chính tương đương cấp phường. 

Thời hạn sở hữu nhà, Bộ Xây dựng đề nghị 2 phương án: cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu trong thời hạn 50 năm và được gia hạn tiếp thêm 1 lần 50 năm; cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu trong thời gian không quá 70 năm và không được gia hạn thêm.

* Ông kỳ vọng gì về nội dung nghị quyết lần này?

Với việc đề xuất sửa đổi các nội dung của Nghị quyết số 19/2008/QH12 như trên, tôi cho rằng sẽ khắc phục được các hạn chế, tồn tại góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, làm tăng tính thanh khoản cho thị trường, từ đó góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việc mở rộng quyền được mua nhiều nhà ở, được cho thuê nhà ở, bán nhà ở trước thời hạn 12 tháng… không chỉ giúp giải phóng hàng tồn kho bất động sản mà còn thu được tiền thuế trong hoạt động kinh doanh mua bán, cho thuê nhà ở hoặc kinh doanh dịch vụ khác từ nhà ở này.

Trân trọng cảm ơn ông!­­

DiaOcOnline.vn - Theo Đại đoàn kết