Là một dự án hướng đến những đối tượng Việt kiều, nhưng khách hàng mua nhà tại Dự án chung cư Euroland (quận Hà Đông) hiện tại lại chủ yếu là người trong nước.
Sự chệch hướng so với mục tiêu ban đầu của Dự án Euroland một phần xuất phát từ chính những rào cản hạn chế Việt kiều, người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Ngay từ khi thực hiện Dự án Làng Việt kiều châu Âu, chủ đầu tư là Công ty TSQ Việt Nam (thuộc Tập đoàn TSQ Finance - Cộng Hòa Ba Lan) đã muốn hướng đến đối tượng khách hàng là những Việt kiều. Vì thế, từ kiến trúc, cảnh quan, cho đến những hình ảnh, nội dung được sử dụng để giới thiệu, quảng bá Dự án đều nhấn mạnh đến những đối tượng sử dụng là Việt kiều, vốn không sống toàn thời gian tại Việt Nam. Thế nhưng trên thực tế, những khách hàng mua nhà tại Dự án lại chủ yếu là người trong nước. Thậm chí, những cư dân hiện đang sinh sống trong dự án này hiện nay cũng chủ yếu là người trong nước.
Dự án căn hộ Làng Việt kiều châu Âu (Euroland), Mộ Lao, Hà Đông đã hoàn thiện, nhưng không dành cho… Việt kiều |
Do đối tượng chính mà Dự án hướng tới bị hạn chế và khó tiếp cận, cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản, nên những nhà đầu cơ buộc phải bán tháo cắt lỗ, tỷ lệ cư dân về sinh sống tại dự án này còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, khu nhà liền kề, biệt thự của dự án này cũng bị bỏ hoang nhiều, do đây chủ yếu là “hàng kẹt” của nhà đầu tư trong nước, vốn chủ yếu mua để đầu cơ, chứ không có mục đích về ở.
Trên thực tế, không phải dự án nào được chủ đầu tư đặt mục tiêu hướng đến đối tượng là Việt kiều hoặc người nước ngoài, thì sẽ được các đối tượng này tìm đến mua căn hộ. Bởi vì, hiện các đối tượng là Việt kiều, người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam theo Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam bị hạn chế (chỉ có 5 đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam). Trong khi đó, điều kiện để các đối tượng này mua nhà ở Việt Nam cũng rất khắt khe. Chưa kể, mỗi người lại có nhu cầu, khả năng tài chính khác nhau, nên trên thực tế, khó có chuyện người nước ngoài hay Việt kiều sẽ tập trung mua nhà tại một dự án. Đây là những bài học lớn với các chủ đầu tư trong việc khu biệt các nhóm khách hàng quá đặc thù trong một dự án.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, rất nhiều Việt kiều và người nước ngoài muốn sở hữu bất động sản tại Việt Nam, nhưng do những rào cản pháp lý khiến việc sở hữu bất động sản tại Việt Nam trở nên xa vời.
Một đại diện của CTCP Dịch vụ Đất Xanh miền Bắc cho biết, doanh nghiệp này từng tiếp nhiều khách hàng là người nước ngoài tìm đến với mong muốn mua nhà. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý quá phúc tạp khiến hầu hết các đối tượng này không thể mua được nhà tại Việt Nam.
Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị bổ sung, sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết số 19/2008/QH12 theo hướng nới lỏng hơn đối tượng và điều kiện cho Việt kiều, người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam.
Một số đại diện doanh nghiệp cho biết, nếu kiến nghị trên được thông qua, thị trường bất động sản, nhất là phân khúc cao cấp sẽ tăng thanh khoản. Tuy nhiên, họ cũng không quá kỳ vọng vào việc thị trường sẽ sôi động ngay, bởi người nước ngoài không có xu hướng đầu cơ bất động sản như các nhà đầu tư trong nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư chứng khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: