Top

Bán nhà cho người nước ngoài: Kỳ vọng ở mức vừa phải

Cập nhật 28/08/2013 09:44

Khi người nước ngoài có thêm cơ hội mua nhà, phân khúc nhà ở trung và cao cấp sẽ tăng thanh khoản. Tuy nhiên, thị trường chưa hẳn sẽ nhanh chóng khởi sắc nhờ giải pháp này.

Bất động sản trung và cao cấp hưởng lợi

Hiện các đối tượng là Việt kiều, người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam theo Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam bị hạn chế (chỉ có 5 đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam). Trong khi đó, điều kiện để các đối tượng này mua nhà ở Việt Nam cũng rất khắt khe.

Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng vừa kiến nghị bổ sung, sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết số 19/2008/QH12 theo hướng nới lỏng hơn đối tượng và điều kiện cho Việt kiều, người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam.

Phân khúc thị trường bất động sản trung bình và cao cấp hiện nay đang tồn kho nhiều nhưng chưa có giải pháp mạnh tay nào để khắc phục được tình trạng này. Vì vậy việc Chính phủ "mở rộng cửa " cho người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam có thể là một giải pháp nữa tháo gỡ cho thị trường bất động sản sau gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vừa qua.

Các chuyên gia cho rằng nếu kiến nghị trên của Bộ Xây dựng được thông qua, phân khúc cao cấp sẽ tăng thanh khoản. Những dự án siêu sang, biệt thự liền kề có giá cao hơn chỉ có một số ít người thu nhập cao, người nước ngoài hoặc Việt kiều mới có khả năng tài chính để mua.

Hơn nữa, khi những người có tiềm năng về tài chính và có nhu cầu thật sự thâm nhập vào thị trường, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại. Trong những năm qua, Việt Nam thu hút dòng vốn FDI lớn, kéo theo nhiều người đến sinh sống và làm việc. Người nước ngoài và Việt kiều bỏ tiền ra mua nhà ngẫu nhiên sẽ là kênh thu hút một nguồn tiền lớn từ người nước ngoài vào thị trường bất động sản.

Nếu như Chính phủ tạo điều kiện cho người nước ngoài và Việt Kiều được mua nhà tại Việt Nam, hàng tồn kho ở phân khúc nhà ở cao cấp cũng sẽ có cơ hội giảm đáng kể. Chủ đầu tư cũng sẽ có cơ hội đẩy hàng đi và thu hồi vốn. Và lợi ích kép là toàn bộ các phân khúc nhà ở trên thị trường bất động sản không bị đóng băng, nền kinh tế cũng tốt lên từ thị trường bất động sản.


Không nên kỳ vọng quá

Mặc dù về lý thuyết, mở rộng đối tượng người nước ngoài mua nhà, phân khúc căn hộ cao cấp (chiếm tỷ lệ lớn hàng tồn kho bất động sản hiện nay) sẽ tăng thanh khoản hơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng cho rằng, không nên quá kỳ vọng chính sách này sẽ đẩy thanh khoản trong ngắn hạn.

Thực tế, có thể thấy các đối tượng là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc và sinh sống thường có xu hướng thuê nhà để ở cho đỡ phức tạp. Trong khi đó, người nước ngoài cũng không có xu hướng đầu cơ bất động sản như các nhà đầu tư trong nước. Do đó, khi người nước ngoài có thêm cơ hội mua nhà, thị trường cũng chưa chắc sẽ khởi sắc nhanh chóng như nhiều người kỳ vọng.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng nhận định, việc Bộ Xây dựng trình đề án cho người nước ngoài mua nhà là điều bình thường mà không cần căn cứ vào cung cao hay thấp của thị trường. Song, muốn làm đến nơi đến chốn thì cần phải nhìn ra cái được, cái mất, sau đó đề xuất bằng chính sách cụ thể.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi về quyền mua và sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam (nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ năm 2014):
- Tất cả các đối tượng được cấp thị thực vào Việt Nam từ ba tháng trở lên đều được phép mua và sở hữu nhà.
- Các quỹ đầu tư, ngân hàng, chi nhánh, văn phòng đại diện và công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được phép mua nhà.
- Người nước ngoài được phép cho thuê, bán lại nhà đã mua.
- Cho phép mua căn hộ chung cư, nhà ở gắn liền với đất (không quá 500m2).
- Về số lượng sản phẩm:
+ Đối với cá nhân người nước ngoài: không hạn chế về số lượng (phương án 1); không quá hai căn hộ, nhà ở riêng lẻ (phương án 2).
+ Đối với các tổ chức: căn cứ vào số lượng người nước ngoài làm việc ở tổ chức đó.
- Thời hạn sở hữu:
+ Phương án 1: 50 năm và được gia hạn một lần 50 năm (Nghị quyết chưa sửa đổi là 50 năm).
+ Phương án 2: trong thời hạn không quá 70 năm và không được gia hạn.


DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí điện tử Nhịp sống số