Top

Tăng thêm quỹ nhà cho Việt kiều

Cập nhật 21/09/2008 20:00

Tờ trình của Bộ Xây dựng về sửa đổi điều 126 Luật Nhà ở đưa ra những quy định theo hướng mở rộng cho nhiều đối tượng Việt kiều mua nhà trong nước. Nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang chuẩn bị quỹ nhà để “đón gió” Việt kiều.

Tiếp thị tận Đông Âu

Ông Trương Quốc Hưng, Giám đốc tiếp thị Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, nhận định: “Với chủ trương mở cửa cho Việt kiều mua nhà như người trong nước, tôi nghĩ trước hết, các Việt kiều đã mua nhà trước đây nhưng nhờ người thân đứng tên sẽ có cơ hội sang tên để đứng chủ sở hữu nhà ở. Số lượng nhà dạng này ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng khá nhiều. Ngoài ra, nhiều Việt kiều đã tích lũy vốn, có nguyện vọng mua nhà trong nước từ lâu nhưng chưa mua được, dịp này sẽ không bị ràng buộc nhiều điều kiện như trước đây”.

Hiện Phú Mỹ Hưng đang triển khai xây dựng dự án căn hộ có quy mô hơn 300 căn tại hai lô C14, C15 và sẽ xong phần móng vào đầu năm 2009. Dự án này cũng nằm trong chiến lược hướng đến một số lượng khách hàng Việt kiều.

Ông Lê Hùng, Giám đốc Công ty phát triển nhà Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Land), hy vọng: “Tôi cho rằng, ngoài việc sẽ có một số lượng khá lớn Việt kiều về mua nhà trong nước, các doanh nghiệp Việt kiều cũng sẽ về đầu tư nhiều hơn vào các dự án nhà ở hoặc sản xuất kinh doanh. Từ 3 tháng nay, HAGL Land đã có chiến lược tiếp thị một số dự án như Hoàng Anh River View (Q.2), Hoàng Anh Incomex (Q.7) đến bà con Việt kiều ở các nước Đông Âu. Qua nhiều chuyến thăm dò thị trường và giới thiệu sản phẩm, chúng tôi thấy bà con Việt kiều ở Đông Âu có nhu cầu mua nhà trong nước không kém gì bà con ở Mỹ, Úc, Canada”.

Ông Lê Hùng thông tin thêm, dự án Hoàng Anh River View gồm 3 block cao 25 tầng được thiết kế 580 căn hộ, đã bán 30% cho người trong nước, 70% còn lại HAGL Land đưa đi tiếp thị ở Đông Âu và được nhiều Việt kiều quan tâm.

“Một căn hộ gần bờ sông Sài Gòn như Hoàng Anh River View, có thiết kế nội thất sang trọng bán với giá 400.000 USD là trong tầm tay của nhiều bà con Việt kiều ở Đông Âu. Vấn đề chỉ ở thủ tục pháp lý mà thôi” - ông Hùng nói.

Ngoài các khu căn hộ cao cấp, HAGL Land cũng đang xúc tiến 2 dự án được bán với mức giá trung bình, có thể bán cho khách hàng trong nước và cả Việt kiều.

Còn Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Đất Xanh Lương Trí Thìn cho hay: “Dự án căn hộ M-Star tại P.26, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) với quy mô 192 căn do Công ty Hồng Hà và Công ty Đất Xanh xây dựng sẽ bán ra vào cuối năm nay cũng nằm trong chiến lược cung ứng nhà ở cho Việt kiều có nhu cầu mua nhà”...

Trao đổi với PV, ông Phan Thám - Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM, cho biết: “Từ khi Nghị định 81 và Luật Nhà ở ban hành cho đến nay, số lượng Việt kiều mua nhà và được đứng tên chủ sở hữu rất ít, chỉ khoảng 130 trường hợp, mà con số này cũng giậm chân tại chỗ nhiều năm nay. Nguyên nhân chủ yếu do các văn bản hướng dẫn cụ thể chưa được ban hành. Điều này khiến nhiều Việt kiều có nhu cầu mua nhà trong nước gặp khó khăn. Theo tôi, mở cửa cho Việt kiều mua nhà trong nước là một chủ trương hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, tuy nhiên vấn đề cốt lõi là phải có các văn bản hướng dẫn cụ thể đi kèm, nếu không việc thực hiện chủ trương này sẽ gặp nhiều lúng túng như những lần trước”.

Một nữ doanh nhân Việt kiều than thở: “Tôi về nước đầu tư làm ăn đã nhiều năm, dù có nhu cầu mua nhà nhưng đến nay vẫn phải ở nhà của người thân. Nhiều bạn bè của tôi cũng mòn mỏi chờ đợi các văn bản hướng dẫn cụ thể để có thể mua nhà trong nước nhưng rốt cuộc đều thất vọng. Không hiểu sao người Việt Nam bây giờ có thể mua nhà ở Mỹ, Canada dễ dàng mà người Việt định cư ở nước ngoài muốn về nước mua nhà lại gặp khó khăn?”.

Dù tình hình tài chính vẫn còn khó khăn, song nhiều doanh nghiệp khác cũng đang âm thầm chuẩn bị cho các dự án của mình để có thể tăng thêm quỹ nhà, đáp ứng nhu cầu của Việt kiều và cả người nước ngoài một khi chủ trương nói trên thành hiện thực.

Cần văn bản hướng dẫn cụ thể

Ông Trương Quốc Hưng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng khi có chủ trương mở cửa cho Việt kiều mua nhà trong nước như trong tờ trình đề nghị sửa đổi điều 126 Luật Nhà ở, thì đồng thời cũng nên nhanh chóng cụ thể hóa các vấn đề rắc rối về thủ tục từ trước đến nay hay gặp như xác nhận nguồn gốc, các loại giấy chứng nhận về nước đầu tư, hoặc phải hướng dẫn rõ ràng hoạt động trong lĩnh vực kinh tế - xã hội gồm những ngành nghề nào, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Việt kiều, giúp họ có thể yên tâm mua nhà trong nước như mọi công dân bình thường”.

Ông Lương Trí Thìn cũng cho rằng: “Khi được đứng tên chủ sở hữu, Việt kiều sẽ mạnh dạn mua nhà vì không gặp phải rắc rối như khi nhờ người thân trong nước đứng tên. Theo dõi từ đầu năm đến nay, chúng tôi thấy tại hệ thống gồm trên 10 văn phòng môi giới của Đất Xanh, có khoảng 6% khách hàng là Việt kiều.

Tại TP.HCM, Việt kiều thường “mặn mà” với căn hộ cao cấp, còn tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai..., đa số Việt kiều chọn mua đất nền biệt thự. Điều đáng nói là trong số 6% khách hàng Việt kiều đó, hầu hết là nhà đầu tư thứ cấp, mua nhà đất để kinh doanh, còn mua nhà để ở chưa nhiều”.

Một doanh nghiệp đầu tư BĐS băn khoăn: “Khi chủ trương có hiệu lực, Nhà nước cần tính đến những vấn đề liên quan đến tài chính khi cho Việt kiều sở hữu nhà. Chẳng hạn, Việt kiều có nhu cầu mua nhà trả góp, lãi suất ở nước ngoài thấp, họ có thể vay ngân hàng nước ngoài để mua nhà trong nước hay không?”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho biết: “Đầu tháng 9 vừa qua, HoREA tổ chức một chuyến đi khảo sát thị trường nhà đất, kết hợp dự hội thảo về BĐS tại Mỹ cho các doanh nghiệp thành viên. Tiếp xúc với nhiều Việt kiều tại Mỹ, chúng tôi thấy nhiều người có nguyện vọng mua nhà ở trong nước. Có thể nói, tờ trình của Bộ Xây dựng sửa đổi điều 126 Luật Nhà ở là một bước mở cửa rất thoáng, phù hợp với nguyện vọng của đại đa số Việt kiều. Vấn đề là phải hướng dẫn cụ thể để vấn đề Việt kiều được mua nhà thực sự thông thoáng, không nên để tồn tại nhiều vướng mắc như trước đây khi ban hành Nghị định 81 hoặc Luật Nhà ở”.

Theo Thanh Niên