Top

Bình Dương xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ:

Tất cả vì một đô thị văn minh, hiện đại

Cập nhật 12/06/2012 08:45

Tại Hội nghị quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 13 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung khẳng định, trong thời gian qua, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng và an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đường BOT746 Tân Uyên đang thi công

Đầu tư tập trung, đúng hướng

Thật vậy, những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế -xã hội của tỉnh mấy năm qua nhờ những nỗ lực huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng với nhiều hình thức như BT, BOT và vận động tốt sự tham gia đóng góp của nhân dân vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong những năm qua tăng bình quân 13,3%/năm, tỉnh đã bố trí đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu trọng điểm, quan trọng không có khả năng huy động được các nguồn lực xã hội. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từng bước được đồng bộ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Có thể nói, ngày nay Bình Dương có một hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư kết nối vùng phát triển công nghiệp và đô thị trong tỉnh, các trục đường giao thông hướng ngoại theo đúng quy hoạch và kết nối tốt với các tỉnh, thành lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hệ thống giao thông đô thị từng bước được hoàn chỉnh; giao thông nông thôn được xây dựng theo quy chuẩn nhựa hóa và bê tông hóa, hệ thống giao thông được đầu tư cơ bản đúng hướng, đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa và đi lại của nhân dân.

Hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp, khu đô thị mới và hạ tầng thương mại dịch vụ từng bước hình thành theo hướng hiện đại. Hạ tầng cấp thoát nước được đầu tư khá tốt, đáp ứng 96% dân số của tỉnh được sử dụng nước sạch, từng bước khắc phục ngập cục bộ trong đô thị. Hệ thống đường dây tải điện, trạm biến áp được cải tạo xây dựng, nâng cao chất lượng cấp điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Đến nay bảo đảm 100% xã, ấp đã có điện, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện trên 90%.

Không dừng lại đó, các thiết chế văn hóa - xã hội không ngừng được quan tâm đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đáp ứng cho những nhu cầu cần thiết của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Trong đó, cơ sở vật chất trường học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa gắn với lầu hóa, đáp ứng tốt cho nhu cầu dạy và học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Về y tế, tỉnh cũng tập trung đầu tư tuyến y tế cơ sở, nhất là vùng phát triển công nghiệp. Đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị ngành y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bảo đảm 100% trạm y tế xã có bác sĩ và 100% khu, ấp có nhân viên y tế hoạt động thường xuyên, góp phần khắc chế dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Lê Thanh Cung cho rằng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh chưa đầu tư đồng bộ kịp thời và có mặt còn yếu, nhất là lĩnh vực y tế và nhà ở xã hội. Các bệnh viện đa khoa xuống cấp, trong khi các bệnh viện chuyên khoa chưa có, nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhà ở cho sinh viên, công nhân tiếp tục cần đầu tư lớn hơn khi nhiều trường đại học đầu tư vào Bình Dương; nhiều công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thi công quá chậm; chất lượng một số công trình chưa tốt; công tác duy tu bảo dưỡng một số công trình chưa được chú ý, dẫn đến công trình mau xuống cấp, hiệu quả đầu tư chưa cao. Nguyên nhân là do tốc độ tăng dân số cơ học trong những năm qua quá nhanh, gây sức ép lên hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, cơ chế chính sách nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Chất lượng công tác quy hoạch và quản lý sau quy hoạch chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong đầu tư xây dựng chưa hiệu quả...

Cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, Bình Dương cũng đã hoàn tất xây dựng Chương trình hành động “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa”.

Vì một đô thị văn minh, hiện đại

Quan điểm của Chương trình hành động đề ra triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung huy động tối đa các nguồn lực xã hội, vốn ngân sách tỉnh đầu tư những dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển của tỉnh, các công trình thiết yếu quan trọng, khó huy động được các nguồn lực xã hội; triển khai đầy đủ các chính sách, chế độ giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đền bù giải tỏa, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhằm nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; tiếp tục huy động đa dạng các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức đầu tư phù hợp nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường... Phát triển kết cấu hạ tầng phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thành phố mới Bình Dương đang được tỉnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng Ảnh: M.DÂN

Với mục tiêu hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa và đô thị hóa; bảo đảm an sinh xã hội; đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, nhất là các công trình mang tính động lực bảo đảm kết nối hướng tâm từ các trung tâm đô thị của tỉnh với Thành phố mới Bình Dương và đấu nối hướng ngoại của Thành phố mới Bình Dương với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Gắn kết và khai thác tối đa lợi thế từ kết cấu hạ tầng và giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn theo hướng xây dựng Bình Dương trở thành một cực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phấn đấu đến năm 2015, đô thị Bình Dương có kết cấu hạ tầng đạt nền tảng của đô thị loại 1. Đến năm 2020, Bình Dương đạt tiêu chí đô thị loại 1, là thành phố trực thuộc Trung ương.

Để đạt được mục tiêu này, hàng loạt các hạng mục kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mang tính trọng tâm, trọng điểm, cấp bách trên tất cả các lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2015 đều được tính toán: Tập trung hoàn thành các công trình giao thông: Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài đến Bàu Bàng, BOT đường 742, 746, đường ven sông Sài Gòn... xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyên khoa, đầu tư trang thiết bị dự phòng các tuyến; đầu tư phát triển cơ sở vật chất trang thiết bị, ký túc xá, nhà ở cho học sinh, sinh viên, đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu với 5 cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở hạ tầng, dân cư, đất đai, nhà ở, doanh nghiệp làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các nguồn lực...

Có thể nói, từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng, từng địa phương đang được tính toán chu đáo theo hướng bố trí đầu tư ưu tiên cho dự án quan trọng, tạo ra sự đột phá đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đô thị hóa và bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Đây cũng là yêu cầu Nghị quyết số 13 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đề ra.

Nguồn: Theo Báo Bình Dương