Top

Cảnh báo với những khu đô thị "không bóng người"

Cập nhật 16/06/2011 09:50

Bất động sản là một lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn và mất rất nhiều thời gian, thường kéo dài 5-10 năm. Mà vốn của chủ đầu tư thường chiếm tỷ trọng ít hơn vốn vay ngân hàng, nên khi chính sách tín dụng siết chặt, ngay lập tức ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Chính vì vậy, đầu tư bất động sản đang ở giai đoạn “hỗn độn” bởi nhiều DN cùng “lao vào” dù khả năng không đáp ứng đủ. Điều đó khiến cho thị trường trở nên “méo mó” và biến động. Do vậy, nhà đầu tư cần phải có sự cân nhắc, “chọn mặt gửi vàng”, nếu không thì sẽ rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Hạ tầng yếu kém “cản bước” nhà đầu tư

Bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua những căn biệt thự nhiều "không": không đường xá, trường, trạm, không bệnh viện, không nước sạch… bởi lẽ sau khi xây xong phần thô và bán cho khách hàng, chủ đầu tư gần như đã “bỏ quên” mất cơ sở hạ tầng. Điều ngạc nhiên và phi lý này lại đang là tình trạng phổ biến xảy ra tại nhiều khu đô thị mới ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Hoàn toàn trái ngược với những lời quảng cáo mỹ miều, sau khi những khu nhà cao tầng được “mọc lên như nấm”, thì lại không có giao thông thuận tiện như lời cam kết, không có hạ tầng xã hội hoặc chỉ “ăn theo” hạ tầng xã hội cũ. Chỉ tính riêng tại hai huyện Đức Hoà và Cần Giuộc (Long An) đã có hơn chục khu đô thị, khu dân cư đã triển khai xây dựng. Tuy nhiên, vẫn chưa có dự án nào ra hình thù bởi tiến độ thi công “chậm như rùa bò”. Điều đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người mua bởi không còn kỳ vọng vào việc đảm bảo chất lượng dự án hay các dịch vụ tiện ích xung quanh sẽ được hoàn thành như cam kết ban đầu, còn nhà đầu tư thì phân vân không biết phải “rót” tiền vào đâu để tìm kiếm lợi nhuận hoặc đơn giản chỉ là bảo tồn đồng vốn.

Theo các chuyên gia, việc thiếu hạ tầng cơ sở tại các khu đô thị là trách nhiệm của chủ đầu tư. Do đó, cần phải tìm ra những giải pháp khác hữu hiệu hơn, không để xảy ra tình trạng này với các dự án đang và sắp được xây dựng trong tương lai. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, những doanh nghiệp không có đủ năng lực bởi khả năng “phòng vệ” yếu và ít vốn sẽ không thể tiếp tục triển khai được các dự án còn đang dang dở. Điều này đã tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản của khu vực này và các nhà đầu tư đã “trót” sa chân cũng không còn nuôi hi vọng sinh lời ở nơi “ thiếu đủ thứ”.

Đô thị “mọc tràn lan” rồi… bị bỏ hoang

Khảo sát một vòng thị trường BĐS các tỉnh lân cận Tp.HCM, tình trạng khu đô thị "ma" đang có nguy cơ xuất hiện ngày càng nhiều. Nằm “sát vách” với TP HCM và được tách ra từ huyện Long Thành, Nhơn Trạch được định hướng sẽ là thành phố vệ tinh của tỉnh Đồng Nai và TP HCM trong tương lai. Giới cò đất ở đây liên tục phao tin đất nền Nhơn Trạch đang tăng giá theo tiến độ hạ tầng, thế nhưng thực trạng triển khai các dự án nhà ở tại huyện này rất èo uột, hoặc đang bị "treo” vô thời hạn. Nhiều dự án chỉ tồn tại trên giấy tờ, và mọi người chỉ có thể chiêm ngưỡng những qua tấm pano “hoành tráng”, những phối cảnh “bắt mắt” được đặt ngay trên bãi đất trống hoang tàn, ngút ngàn cây cỏ. Trong khi đó, ở huyện này chỗ nào cũng có bảng hiệu "Mua bán nhà đất", biển báo dự án khu dân cư nhưng chưa vẫn hề xây dựng, thậm chí còn bán cả những khu đô thị bị bỏ hoang. Và đến thời điểm này, Nhơn Trạch vẫn chỉ là một vùng đất vắng bóng người, với những con đường rộng thênh thang và những ngôi nhà “lụp xụp”.

Những căn biệt thự hoang tàn, nằm “xiêu vẹo”

Việc hàng trăm biệt thự hay cả khu đô thị bị bỏ hoang không chỉ phản ánh bức tranh không đẹp của bộ mặt đô thị mà còn rất lãng phí và phản cảm. Đánh giá tình trạng những căn biệt thự hay cả khu đô thị đã và sẽ có nguy cơ bị bỏ hoang, các chuyên gia cho rằng đó là một sự lãng phí lớn. Điều đó thể hiện sự quy hoạch “vô lối”, sử dụng đất đai theo kiểu “tiền tỷ để phơi nắng phơi mưa”.

Sở dĩ chủ đầu tư của những dự án này phải chịu cảnh "gãy gánh giữa đường" do không có năng lực ứng biến khi đối mặt với những khó khăn. Và để “cứu vãn” tình hình đang ngày càng “bi đát”, những chủ doanh nghiệp nhỏ lẻ đành phải tìm “lối thoát” cho riêng mình, chấp nhận “ngậm đắng nuốt cay”, “bán thốc bán tháo” để chống ế nhằm giải quyết bài toán thu hồi vốn nhưng kết quả thu được vẫn không mấy khả quan.

Điểm đến nào cho các nhà đầu tư?

Theo các chuyên gia nhận xét, hiện nay khu vực phía đông đang “hút” mạnh bởi hạ tầng được "chăm chút" quá tốt. Nhằm thu hút các nhà đâu tư cũng, như tạo cú hích”về cơ sở hạ tầng”, liên tiếp những công trình giao thông quan trọng tại cửa ngõ phía Đông thành phố đang được triển khai thi công, như đường cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn, đường vành đai -Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, cầu Thủ Thiêm, Phú Mỹ nối quận 2 với quận 7… những dự án này khi được đưa vào sử dụng sẽ làm “dậy sóng” thị trường địa ốc khu vực này trong thời gian tới.

* Khu đô thị dịch vụ Hưng Phước do tập đoàn Cotecland làm chủ đầu tư tại Bến Cát, Bình Dương đã chính thức chào bán từ cuối năm 2009. Được chủ đầu tư “hứa hẹn” sẽ là khu đô thị với đầy đủ dịch vụ tiện ích, hạ tầng đồng bộ, nhà phân phối thì ra sức “tâng bốc” và tư vấn những điều tốt đẹp cho khách hàng, thế nhưng đến nay khu đô thị này vẫn chưa có gì ngoài những trụ điện nằm “chỏng chơ”, đường xá mới làm thì đã xuống cấp nghiêm trọng, hạ tầng không kết nối với các khu vực lân cận như Mỹ Phước, Quốc Lộ 13… và còn nhiều vấn đề” vướng mắc”, không ai có thể trả lời được câu hỏi khi nào sẽ có sổ đỏ.

* Phân lô đất nền giá rẻ tại Bình Dương chỉ với mức 1- 1,5 triệu/m2 là những thông tin thường thấy trên những bảng quảng cáo mọc san sát nhau, “ăn theo” các khu công nghiệp mới mở. Thế nhưng, nhà đầu tư nào đã “trót nhúng chàm” thì mới thấy hết “cảnh khổ” khi phải “ngóng cổ” chờ đợi sổ đỏ và phải “chịu trận” với hàng loạt thủ tục pháp lý “rối như tơ vò”, hạ tầng xã hội, kỹ thuật các khu vực này thì cực kỳ thô sơ, đường xá chỉ là đường đất hay chỉ là rải sỏi tạm bợ, không có điện, nước, trường, trạm… Thế mới biết vì sao nhiều nhà đầu tư phải “tháo chạy” và hậu quả để lại là những khu đô thị thưa vắng bóng người.

 
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTVN