Top

Quy hoạch vùng thoát lũ sông Hồng: Hà Nội phải di dời 23.000 hộ dân

Cập nhật 08/10/2008 10:00

Để đảm bảo thoát lũ lâu dài cho sông Hồng và tạo điều kiện xây dựng "đô thị bên sông", Thủ đô Hà Nội sẽ phải di dời 23.000 hộ dân ra khỏi chỉ giới thoát lũ an toàn. Kinh phí ước tính ban đầu cho việc này là 19.000 tỷ đồng.

Đây là một trong những nội dung trong Dự án quy hoạch vùng thoát lũ sông Hồng do Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa trình lên UBND thành phố Hà Nội.

Khi đất ven sông bị "xẻ thịt"

Những năm gần đây, khi quá trình đô thị hóa ngày càng lan rộng thì ở những dải đất ven đê sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội cũng nhanh chóng trở thành tấc vàng. Lợi dụng sự lơi lỏng trong quản lý của chính quyền và các ban, ngành chức năng, người dân vùng ven "đua nhau" lấn chiếm đất ven sông.

Ngoài việc làm xấu mỹ quan đô thị, tình trạng này còn dẫn đến những hậu quả khôn lường cho Thủ đô, vì chế độ thủy văn sông Hồng rất phức tạp… Hơn nữa, để Thủ đô có thể triển khai các dự án xây dựng lớn (như thành phố Sông Hồng chẳng hạn), thì phải có quy hoạch tiêu thoát lũ phù hợp với cả vùng.

Càng chậm quy hoạch, việc di dời dân càng khó khăn tốn kém. Theo thống kê của Viện Quy hoạch thủy lợi, phía bờ nam hiện có gần 30.000 hộ dân khu vực ngoài đê chính, phía bờ bắc có gần 12.000 hộ ngoài đê chính. Sự lấn chiếm bãi sông thể hiện rõ nhất ở các bãi Phú Thụỵ - Phú Thượng - Chèm.

Chỉ cách đây 5 năm, khu vực này còn là đầm, ao hồ và bãi cát, nhưng nay đã được thay bằng những ngôi nhà kiên cố, những biệt thự kín cổng cao tường… Toàn bộ dải đất từ đê bối ra 200-300 mét phía ngoài sông Hồng đã bị lấn chiếm gần hết. Phía hạ lưu của cầu Thăng Long là bãi Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ, người dân cũng làm đường và xây nhà ngay trên đê bối. Ngoài đê bối thì đất bãi thấp, chỉ báo động 2 là có thể ngập.

Riêng bãi Phúc Xá (ngay phía dưới cầu Long Biên) có 3.500 hộ. Dân lấn ra tận mép sông, chủ yếu là dân nghèo, dân lao động các tỉnh đổ về. Khu bãi bồi Đồng Xuân, Phúc Tân, Chương Dương, Bạch Đằng và Vĩnh Tuy chỉ dài chưa đầy 8 cây số mà đã có tới 12.000 hộ dân ngoài đê chính…

Nếu không ngăn kịp thời, người ta có thể đổ đất tiến ra sông Hồng mỗi năm một ít, có thể lấp luôn lạch phụ sông Hồng. Đến nay, tổng số hộ dân ngoài đê chính của Hà Nội đã lên tới 42.000 hộ.

Sẽ di dời một nửa

Quy hoạch phòng chống lũ mà Chính phủ phê duyệt năm 2007 quy định, với sông Hồng đoạn qua Hà Nội phải đảm bảo mực nước 13,4m, lưu lượng là 20.000m3/giây, đảm bảo bền vững, không gây bồi, gây xói. Tuy số dân ngoài đê chính là 42.000 hộ nhưng sau khi khảo sát và vạch ra đường chỉ giới thoát lũ, Viện Quy hoạch thủy lợi kiến nghị UBND thành phố Hà Nội di dời tổng số 23.000 hộ, trong đó riêng bờ nam là hơn 19.000 hộ.

Để làm được điều đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi ước tính sẽ tốn kém 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số ban đầu. Còn sau này, nếu Dự án thành phố ven sông Hồng được thực hiện, các nhà đầu tư có thể áp dụng hình thức đổi đất lấy công trình để giảm bớt kinh phí bồi thường.

Cũng theo Viện Quy hoạch thủy lợi thì trong Dự án quy hoạch vùng thoát lũ, có duy nhất làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm là không phải di dời. Đây là ngôi làng cổ, lại có nghề gốm sứ nổi tiếng, có giá trị kinh tế - văn hoá đặc biệt, nên phương án dự kiến là sẽ xây kè bê tông kiên cố để bảo vệ…

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị