Chiều 1/10, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ tư, cho ý kiến vào Dự án Luật quy hoạch đô thị.
Những ý kiến đóng góp tại phiên họp là cơ sở để Ủy ban Kinh tế xây dựng Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật, dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới. Chủ nhiệm Ủy ban Hà Văn Hiền chủ trì phiên họp.
Tờ trình về Dự án Luật quy hoạch đô thị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày nhấn mạnh việc cần thiết ban hành Luật quy hoạch đô thị trong bối cảnh phát triển đô thị nước ta vẫn còn những vấn đề tồn tại làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển các đô thị nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung.
Đó là việc quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị còn nhiều lãng phí; tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị chậm được cải thiện; các vấn đề về nhà ở, giao thông đô thị đang gây nhiều bức xúc; kiến trúc đô thị còn chắp vá, thiếu bản sắc; công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch còn nhiều bất cập.
Bộ trưởng cho biết: Hiện nay, việc lập quy hoạch còn chậm, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tế xã hội và yêu cầu quản lý. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa tập trung các nguồn lực cần thiết cho công tác lập quy hoạch dẫn đến tình trạng quy hoạch chưa đi trước, thiếu cơ sở cho quản lý phát triển đô thị...
Công tác quản lý phát triển đô thị trên thực tế còn nhiều yếu kém và hiệu quả chưa cao. Việc công bố, công khai quy hoạch được duyệt còn chậm và mang tính hình thức. Việc triển khai đưa các chỉ giới, mốc giới ra ngoài thực địa thực hiện chưa tốt dẫn đến tình trạng vi phạm chỉ giới quy hoạch, lấn chiếm đất công còn phổ biến ở nhiều nơi...
Theo Bộ trưởng, pháp luật hiện hành của nước ta đã có nhiều quy định về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý còn thấp, nhiều quy định lạc hậu so với thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý phát triển đô thị và hội nhập quốc tế.
Những bất cập trên đòi hỏi sớm ban hành Luật quy hoạch đô thị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị, đảm bảo phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại, đồng bộ với phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường.
Dự án Luật quy hoạch đô thị gồm 7 chương, 81 điều, quy định về hoạt động quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị, bao gồm việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đối với đô thị hiện có, đô thị mới.
Đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật quy hoạch đô thị, vì thực hiện Luật sẽ làm cho đất đai trong đô thị được sử dụng tiết kiệm, hợp lý hơn.
Các đại biểu cho rằng, việc quy hoạch phải tính đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, vấn đề bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế. Quy hoạch phải đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm đất đai. Trong quy hoạch cần hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa để làm khu công nghiệp, sân gôn...
Theo đại biểu Trần Du Lịch, thực tế hiện nay, người dân rất sợ quy hoạch bởi sợ bị thiệt thòi. Việc xây quy hoạch nhanh, dễ nhưng quá trình thực hiện kéo dài, thậm chí đến vài chục năm. Trong thời gian đó mọi quyền lợi chính đáng của người dân bị ảnh hưởng rất lớn do những nhu cầu thay đổi đều bị dừng lại.
Luật cần quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân trong khu vực quy hoạch. Đại biểu đề nghị trước khi xây dựng quy hoạch cần thực hiện điều tra xã hội học, tránh việc xây dựng quy hoạch trên máy, để người dân yên tâm khi có quy hoạch, quyền lợi của họ sẽ được đảm bảo.
Đại biểu Lê Quốc Dung và một số đại biểu khác đồng tình với việc thành lập Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng, đề nghị xác định rõ thẩm quyền về chuyên môn cho Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng như cho phép được phản biện với Hội đồng nhân dân cùng cấp nhằm tránh hình thức hóa hai chức danh trên.
Đại biểu Phùng Văn Toàn đề nghị quy định Hội đồng kiến trúc quy hoạch do Chủ tịch ủy ban thành lập, có chức năng tư vấn giúp Chủ tịch về vấn đề quy hoạch chứ không có chức năng tham mưu...
Đại biểu Lê Quốc Dung đề nghị bổ sung khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu mà không gắn với thị xã, thị trấn vào phạm vi điều chỉnh của Luật và nên quy định những khu này là khu đặc thù, bởi thực tế cho thấy những khu kinh tế này đang ngày càng phát triển.
Đại biểu cũng cho rằng quy hoạch đô thị cần có tính bền vững, lâu dài, cần quy định cụ thể để có thể bảo lưu, gắn với mục tiêu, chính sách của chính quyền địa phương tránh bị chi phối bởi những ý tưởng, lợi ích cá nhân.
Đa số các đại biểu đề nghị đưa vấn đề ngoại thành, hệ thống cây xanh, mặt nước vào phạm vi điều chỉnh của Dự án luật; làm rõ nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.
Trong xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn và dự báo xa, trong đó cần quan tâm đến biến đổi khí hậu toàn cầu (triều cường, mưa lũ...) vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch chung...
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: