Top

Quy hoạch chung xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội

Cập nhật 09/02/2010 14:45

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ XD: Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) khoảng 1130ha, bao gồm: Khu vực dự án xây dựng ĐHQGHN: 1000ha; Khu vực cây xanh dọc QL21 và đường Láng Hòa Lạc: khoảng 130ha. Thời hạn nghiên cứu, Quy hoạch đợt đầu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.


Mục tiêu của dự phát triển ĐHQGHN ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới, xây dựng cơ sở vật chất tạo lập môi trường đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng hiện đại, tiếp cận trình độ quốc tế. Phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Là cơ sở pháp lý triển khai Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000, 1/500, lập dự án đầu tư và các bước đầu tư tiếp theo.

Quan điểm của Bộ XD điều chỉnh quy hoạch xây dựng ĐHQGHN: Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng ĐHQGHN trên cơ sở nghiên cứu và kế thừa các ý tưởng của đồ án Quy hoạch chung ĐHQGHN được duyệt năm 2004 như: Sử dụng tiêu chuẩn quốc tế trong bố trí về không gian, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; Bố trí mặt bằng sử dụng đất và các công trình hiệu quả cao hỗ trợ tốt cho những nhiệm vụ đào tạo; Xây dựng khuôn viên đại học có tính thẩm mỹ cao, ấn tượng với bản sắc kiến trúc riêng; Tạo ra một cộng đồng hỗ trợ việc trao đổi tri thức và xã hội cần thiết cho sinh hoạt trong nhà trường; Đề xuất kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương; Tạo lập môi trường bền vững.

Sẽ quy hoạch sử dụng đất trong khuôn viên 1000ha: Cơ bản giữ nguyên cơ cấu phân khu chức năng, vị trí và quy mô các khu chức năng trong khu vực 860 ha: Khu trung tâm bố trí tại trung điểm khu đại học, là tâm điểm liên kết các trường đại học thành viên.

Khu học tập bố trí xung quanh khu trung tâm và chia làm 3 khối: Khối khoa học tự nhiên đặt ở phía Nam và Đông Nam; Khối khoa xã hội – nhân văn đặt ở phía Bắc; Khối đại học quốc tế và hợp tác quốc tế đặt ở phía Tây Nam. Khu các viện & trung tâm nghiên cứu, khai thác ứng dụng bố trí tiếp giáp với các trường đại học thành viên. Khu ký túc xá bố trí phân tán thành 6 khu vực và gắn kết thuận tiện với các trường đại học thành viên. Giữ nguyên vị trí, diện tích đất của Trung tâm thể dục thể thao và Trung tâm giáo dục quốc phòng.Kế thừa các nghiên cứu, áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng công trình theo Quy hoạch chung năm 2004.

Các nội dung điều chỉnh: Khu vực 860 ha: Mở rộng trường Đại học kinh tế từ 15 ha lên 27,5 ha; Chuyển Khoa Quản trị kinh doanh và Trung tâm Nghiên cứu đến vị trí mới; Bảo tàng tự nhiên chuyển vị trí đến khu vực gần khu trung tâm; Khu ký túc xá đảm bảo chỗ ở cho 100% sinh viên và học sinh phổ thông chuyên của ĐHQGHN.

Nghiên cứu tăng quy mô một số công trình Thể dục thể thao chính: Sân vận động, Nhà thi đấu đa năng và Bể bơi trong nhà;Sử dụng khoảng 110 ha đất thuộc khu vực đất dự trữ để bố trí các đơn vị bổ sung mới như: Khoa Văn hóa, nghệ thuật; Khoa Hành chính công, khoa Đô thị học và Trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc; Khoa Y dược và Bệnh viện;Khu vực giáp núi Thằn Lằn bố trí các đơn vị Viện và trung tâm nghiên cứu mới bổ sung và đơn vị chuyển đổi đất với trường Đại học kinh tế; Bổ sung đất cho dịch vụ công cộng chung tại khu vực phía Tây ĐHQGHN; Quỹ đất dự trữ còn lại bố trí công viên cây xanh.Bổ sung một số công trình sử dụng chung như: dịch vụ công cộng, thông tin, văn hóa, thư viện… trong khuôn viên ĐHQGHN.

Về nguyên tắc bố trí tổng mặt bằng các Trường và Viện nghiên cứu trong khuôn viên ĐHQGHN: Không bố trí rải đều các hạng mục công trình chiếm diện tích đất lớn; Dành quỹ đất dự trữ trong mỗi khuôn viên để trồng cây xanh cảnh quan, cây lâm nghiệp trong giai đoạn đầu; trong tương lai sẽ là quỹ đất phát triển mở rộng của từng Trường và Viện nghiên cứu theo nhu cầu.

Định hướng phát triển không gian và kiến trúc cảnh quan của Khu đại học Quốc gia Hà Nội: Về tổng thể: không gian ĐHQGHN là không gian mở với cộng đồng dân cư bên ngoài; không gian xanh có chất lượng thẩm mỹ cao với tỷ lệ cây xanh – mặt nước chiếm tỷ trọng 50-60% diện tích; không gian sư phạm, nghiên cứu khoa học – công nghệ cao; Về kiến trúc: là không gian kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và kiến trúc truyền thống.

Tổ chức không gian và Thiết kế đô thị: Lấy hồ nước lớn tự nhiên ở giữa trung tâm khu đất làm tâm điểm của khu đại học; Lấy mạng giao thông xuyên tâm kết hợp đường nhánh, đường đi bộ và các quảng trường làm kết nối chính nhằm tăng khả năng kết nối nhanh nhất từ khu trung tâm với các đơn vị thành viên, tăng cường không gian đi bộ kết nối khu trung tâm, các Trường, Viện nghiên cứu và khu ký túc xá;Cơ cấu các khu chức năng được thiết lập dựa trên việc duy trì và giữ lại các đặc điểm tự nhiên hiện có như cảnh quan thiên nhiên của núi Múc, các hồ nước và suối nước tự nhiên.

Các yếu tố này sẽ tạo ra các điểm nhấn và đặc trưng riêng của khuôn viên ĐHQGHN tại Hòa Lạc;Không gian cây xanh, mặt nước của ĐHQGHN bố trí tập trung xung quanh các khu vưc hồ nước, dọc theo các kênh thoát nước và đồi núi tự nhiên; khống chế mật độ xây dựng tổng thể đạt 20-30% diện tích xây dựng; tăng tối đa diện tích đất cây xanh, mặt nước cảnh quan môi trường;Tổng thể không gian kiến trúc có cùng ngôn ngữ: hiện đại, có bản sắc kiến trúc truyền thống. Các công trình xây dựng cần có kiến trúc phù hợp với đặc điểm, công năng công trình và vị trí xây dựng cụ thể. Tại khu trung tâm ĐHQGHN và các dự án khác cần có công trình cao tầng tạo điểm nhấn phù hợp với tính chất, đặc điểm khu vực và từng dự án cụ thể.

Về kiến trúc của mỗi dự án thành phần, mỗi khu cần có định hướng kiến trúc phù hợp với tính chất của mỗi dự án, về cơ bản cần có tính hiện đại, thẩm mỹ đặc thù riêng trong một tổng thể chung và mang những tinh hoa của truyền thống;Kiểm soát phát triển các khu vực có kiến trúc cảnh quan đặc trưng như: khu vực cửa ngõ vào ĐHQGHN, khu trung tâm, quảng trường và khu vực trung tâm của từng trường, viện nghiên cứu thành viên.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng