Top

Dự án Luật Quy hoạch đô thị: Nên để đô thi tự lập quy hoạch?

Cập nhật 10/04/2009 08:05

Bộ Xây dựng không nên lập thay quy hoạch cho các đô thị loại đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM.

“Để đảm bảo quy hoạch có chất lượng, có thực tiễn cần khẳng định việc lập quy hoạch là trách nhiệm của chính quyền đô thị, kể cả đô thị đặc biệt. Bộ Xây dựng không thể làm thay chính quyền đô thị”. Đó là ý kiến của TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội tại hội thảo về dự án Luật Quy hoạch đô thị do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức hôm qua (9-4). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho biết dự luật này sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5 tới.

Theo dự luật, Bộ Xây dựng lập quy hoạch chung TP trực thuộc trung ương loại đặc biệt, quy hoạch chung các đô thị mới. UBND cấp tỉnh lập quy hoạch chung cho TP trực thuộc trung ương. Về nội dung này, PGS-TS Huỳnh Đăng Hy, Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng quy hoạch chung của các TP thuộc tỉnh phải do UBND TP đó lập, UBND tỉnh chỉ thẩm tra, xét duyệt hoặc trình Chính phủ xét duyệt. Quy hoạch chung của các đô thị đặc biệt, đô thị trực thuộc trung ương như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng nên để UBND các TP đó lập, Bộ Xây dựng chỉ thẩm tra để trình Chính phủ xét duyệt. “Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không nên làm thay chức năng của UBND từng đô thị trực thuộc trung ương” - ông Hy nói.

Ngoài ra, trong quá trình phát triển đô thị ở nước ta, vì nhiều lý do khác nhau đã hình thành các khu nhà tự phát kiến trúc lộn xộn, nhất là ở các TP lớn. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đề xuất cần có một chương trong Luật Quy hoạch đô thị về quy hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị. Trong đó quy định thực hiện đồng bộ giữa khu đô thị mới và cải tạo khu đô thị cũ, cấm xây dựng công trình lớn vào khu trung tâm vốn đã quá tải về hạ tầng, cấm xây dựng công trình trên vườn hoa, cây xanh, mặt nước vốn còn rất ít trong khu đô thị cũ. Luật cũng cần quy định khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp cần hạn chế tối đa việc sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa, khuyến khích đầu tư các loại hình đó tại các vùng đồi núi.

Theo dự luật, không được phát triển không gian ngầm ra ngoài công trình. TS Nguyễn Ngọc Hiếu (Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng ở những vị trí đã có quy hoạch rõ ràng thì những khoảng không có thể phát triển ra ngoài, nếu không được sử dụng thì gây lãng phí. “Một công trình lớn phải lùi sâu vào 10 m để làm sân, tạo cảnh quan, tức là chỉ giới xây dựng phải lùi sâu vào 10 m so với chỉ giới đường đỏ. Trong trường hợp này, chủ đầu tư hoàn toàn có thể xây nhà để xe, kho chứa, khu giặt là, dịch vụ ngầm dưới sân mà không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Ở nước ngoài họ cũng cho làm như vậy” - ông Hiếu ví dụ.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP