Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa làm việc với UBND TP Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan về một số giải pháp thực hiện công tác rà soát các đồ án quy hoạch cũng như các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Thủ đô, nhằm phục vụ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng.
Theo báo cáo của UBND TP, hiện Hà Nội đã tổng hợp được 744 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, với quy mô diện tích mặt bằng 61.767 ha, dân số 2,9 triệu người. Trong đó, mới chỉ 133 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt, số còn lại đang lập, trình thẩm định quy hoạch chi tiết với quy mô 21.155 ha và hơn 500.000 dân. Trong số 438 dự án đã được phê duyệt đầu tư, có 213 dự án đã có quyết định thu hồi đất với tổng diện tích 14.100 ha, 193 dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng và đi vào hoạt động, khai thác và chỉ có 77 dự án đã thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất với tổng số tiền là 5.423 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai các đồ án, dự án nói trên đang bộc lộ một số hạn chế, khó khăn trên nhiều phương diện. Sự phân bố các đồ án, dự án chưa hài hòa. Do chưa có quy hoạch chung xây dựng cho từng vùng, liên vùng nên một số dự án, đồ án trong cùng khu vực chưa có sự gắn kết, hỗ trợ hợp lý với nhau, đặc biệt là sự kết nối, chia sẻ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cấp thoát nước, xử lý rác, cấp điện,… Nói cách khác, sự phân bố, liên kết chưa hợp lý này đã và đang tiềm ẩn một tương lai phát triển thiếu bền vững.
Đánh giá thực trạng này, Bộ Xây dựng cho rằng, các khu đô thị và nông thôn sẽ phát triển đan xen, chắp vá, manh mún và như vậy sẽ rất khó kiểm soát. Mặt khác, phần lớn các đồ án và dự án nói trên đều được nghiên cứu, khảo sát trong thời kỳ năm 2007. Đây là giai đoạn kinh tế - xã hội, thị trường tài chính, bất động sản trong nước và trên thế giới có nhiều thuận lợi. Còn tại thời điểm hiện nay khi các điều kiện trên không còn nữa thì hệ thống này tạo nên sự thiếu đồng bộ giữa nhịp độ quy hoạch, quy mô đầu tư với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quy luật cung cầu của thị trường trong bối cảnh mới. Ngoài ra là một số bất cập khác của hệ thống các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư về tính khả thi trong tình hình mới, tình hình GPMB, tái định cư, bố trí đất dịch vụ theo yêu cầu tiến độ của các dự án, giải quyết các tác động về lao động việc làm, tái định cư, ô nhiễm môi trường...
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, những kết quả về hệ thống các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng của Hà Nội sau khi sáp nhập là tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng.
Phó Thủ tướng cũng giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với đơn vị tư vấn quy hoạch nước ngoài sớm báo cáo quy hoạch chung để đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai, phân bố lại hợp lý các đồ án, dự án - động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như xây dựng một Thủ đô Hà Nội tầm vóc trong tương lai. Đồng thời, lưu ý Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội cần tập trung xử lý trong quá trình triển khai hệ thống đồ án quy hoạch cũng như các dự án xây dựng việc xác định, quy hoạch lại các hành lang thoát lũ, phân chậm lũ và rà soát phân bố, bố trí lại dân cư, triển khai nghiên cứu việc mở rộng, đẩy mạnh xây dựng các trục giao thông lớn.
Về việc xác định các khu chức năng phát triển của các Vùng Thủ đô và thành phố Hà Nội mở rộng, theo Phó Thủ tướng, bao gồm vùng đất đai nông nghiệp, khu vực đô thị hóa dọc trục đường 21A, trục Tây Thăng Long và trục Láng - Hòa Lạc, vùng giới hạn thành phố trung tâm về phía tây, đặc biệt là các phương án phân nhóm và xử lý cụ thể các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư theo kết quả rà soát trên.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: