Top

Phát triển mạng lưới đô thị đồng bộ, hiện đại

Cập nhật 09/04/2009 15:35

Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ cở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.

Đó là mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Định hướng Quy hoạch đưa ra các chỉ tiêu dự báo phát triển đô thị; định hướng phát triển chung, định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị cả nước; định hướng tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị; bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái; lộ trình và các giải pháp phát triển đô thị qua các giai đoạn từ nay đến 2050.

Theo đó, định hướng phát triển chung không gian đô thị cả nước theo hướng bảo đảm phát triển hợp lý các vùng đô thị hóa cơ bản giữa 6 vùng kinh tế - xã hội quốc gia, giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam; giữa phía Đông và phía Tây; gắn với việc phát triển các cực tăng trưởng chủ đạo và thứ cấp quốc gia, đồng thời bảo đảm phát triển theo mạng lưới, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị.

Bố trí hợp lý các chuỗi, chùm đô thị

Các đô thị lớn, đô thị cực lớn như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ... được tổ chức phát triển theo mô hình chùm đô thị, đô thị đối trọng hoặc đô thị vệ tinh có vành đai bảo vệ để hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế và phá vỡ cân bằng sinh thái.

Tổng thể kiến trúc cảnh quan của mỗi vùng và đô thị phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, dân số - xã hội, trình độ khoa học, kỹ thuật, truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương và các yêu cầu phát triển mới.

Đặc biệt quan tâm đến kiến trúc các đô thị là trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế như: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; bảo vệ, tôn tạo kiến trúc cảnh quan tại các đô thị di sản, đô thị đặc thù như Huế, Hội An, Đà Lạt, Sa Pa; các khu phố cổ, phố cũ; các di sản lịch sử, văn hóa và các công trình kiến trúc cảnh quan có giá trị...

Theo lộ trình thực hiện, từ nay đến 2015 ưu tiên phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn và các khu kinh tế tổng hợp đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia. Từ năm 2016 đến 2025 ưu tiên phát triển các vùng đô thị hóa cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ; đầu tư xây dựng, nâng cấp các đô thị đóng vai trò là trung tâm vùng, tiểu vùng. Giai đoạn từ năm 2026 đến 2050 chuyển dần sang phát triển theo mạng lưới đô thị.

Theo dự báo đến năm 2025, tổng số đô thị cả nước khoảng 1.000 đô thị; trong đó, đô thị từ loại I đến đặc biệt là 17 đô thị, đô thị loại II là 20 đô thị; đô thị loại III là 81 đô thị, đô thị loại IV là 122 đô thị, còn lại là các đô thị loại V. Khoảng 52 triệu người sẽ sống tại đô thị.


DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ