Việc xây dựng cầu Cổ Chiên mở thêm một cơ hội phát triển kinh tế cho các tỉnh Tây Nam Bộ. Ảnh: Đ.T |
Việc xây dựng công trình cầu Cổ Chiên theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) sẽ không chỉ “đóng mạch” tuyến Quốc lộ 60, mà còn mở thêm một cơ hội phát triển kinh tế cho các tỉnh Tây Nam Bộ.
Nằm trên sông Cổ Chiên – một trong những phân lưu của sông Cửu Long, phà Cổ Chiên nối 2 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre hiện là điểm vượt sông bằng phà cuối cùng trên Quốc lộ 60 sau khi cầu Rạch Miễu được đưa vào khai thác. Đây là công trình được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xác định là dự án trọng điểm cần sớm được đầu tư xây dựng, nhằm tăng tính kết nối cho cả khu vực Tây Nam Bộ.
Theo Ban quản lý Dự án 7 (PMU7) - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý dự án, Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên và đường dẫn 2 đầu cầu có tổng chiều dài toàn tuyến là 15,7 km. Trong đó, cầu Cổ Chiên được xây dựng theo kiểu cầu dây văng dài 1,6 km, gồm 4 làn xe, chiều rộng mặt cầu 16m. Với phần đường giải phóng mặt bằng đủ 4 làn xe, trong giai đoạn trước mắt, sẽ đầu tư nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11m, khi có đủ nguồn lực sẽ đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư toàn Dự án dự kiến là 4.826 tỷ đồng, trong đó kinh phí giai đoạn I là 3.900 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc PMU7 cho biết, việc phân kỳ đầu tư như trên nhằm giảm vốn đầu tư ngay trong một lần trong điều kiện nguồn vốn khó khăn và cũng để tăng hiệu quả tài chính cho Dự án khi áp dụng hình thức BOT.
Được biết, khi Dự án hoàn thành, tuyến trục dọc hành lang phía Đông cho khu vực Tây Nam Bộ sẽ nối thông, rút ngắn cự ly từ TP.HCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng khoảng 70 km – một khoảng cách rất nhiều ý nghĩa đối với các doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, nhờ việc Quốc lộ 60 được “đóng mạch” hoàn chỉnh, giao thông trên Quốc lộ 1 sẽ giảm áp lực, đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao khi Khu kinh tế Định An đi vào hoạt động.
Do tính chất cấp bách của Dự án, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu (do 3 tổng công ty xây dựng công trình giao thông – Cienco góp vốn) có bổ sung thêm một số nhà đầu tư trong và ngoài ngành GTVT được làm nhà đầu tư. Bộ GTVT cũng đề xuất Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) làm đơn vị lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật.
Cũng phải nói thêm rằng, do có tổng mức đầu tư lớn, nếu nhà đầu tư phải gánh toàn bộ chi phí, thì phương án tài chính của Dự án sẽ không có tính khả thi. Chính vì vậy, vào cuối tháng 6/2010, tại Văn bản số 4266/BGTVT – KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã đề xuất cơ chế đầu tư Dự án như sau: ngân sách trung ương sẽ đầu tư phần đường và các cầu trên đường dẫn (khoảng 1.790 tỷ đồng); kinh phí giải phóng mặt bằng trên địa phận 2 tỉnh do ngân sách các địa phương chi trả (khoảng 410 tỷ đồng), trong đó Bến Tre chi 250 tỷ đồng, Trà Vinh chi 160 tỷ đồng; nhà đầu tư sẽ đầu tư phần cầu Cổ Chiên theo hình thức hợp đồng BOT với chi phí 1.700 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, với sự tham gia khá lớn của ngân sách nhà nước, hình thức đầu tư Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên có dáng dấp mô hình hợp tác công – tư (PPP), hơn là hình thức hợp đồng BOT thuần túy.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc Cienco 1, đơn vị sẽ tham gia góp vốn xây dựng cầu Cổ Chiên cho biết, cơ chế vốn cho Dự án mà Bộ GTVT đề xuất cơ bản tạo được sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Rủi ro lớn nhất đối với Dự án chính là số liệu về chi phí xây dựng đều là tạm tính, do chưa có các cuộc khảo sát địa chất kỹ lưỡng, trong khi đây lại là nhân tố có thể làm phát sinh khá lớn chi phí xây dựng công trình.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: