Theo Quyết định 54 của UBND TP. HCM về cấp giấy hồng mới được ban hành, thì thời gian cấp giấy hồng mới chỉ trong vòng 40 ngày. Vậy mà, sau vài tháng thực hiện, hầu hết các quận, huyện chưa thực hiện đúng thời gian cấp giấy cho dân. Và người dân thành phố vẫn cứ phải đi lại nhiều lần.
Tại UBND quận Gò Vấp, nhiều người dân làm thủ tục đúng theo chỉ dẫn nhưng vẫn phải đi đi về về mấy lượt vẫn chưa nhận được giấy hồng. Chị Thùy Linh đến UBND quận làm hồ sơ xin cấp sổ hồng mới nhưng đã phải đi về 4 bận mà chưa xong. Mặc dù nhà chị từ khi chuẩn bị xây đến nay đã qua nhiều lần làm thủ tục giấy tờ nhưng cứ phải đem đi bổ sung đủ thứ.
Chỉ tính riêng khâu sơ đồ phải vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần. "Bản vẽ là do các công ty có chuyên môn đảm nhiệm, vì sao người dân cứ phải đem đi bổ sung hoặc vẽ lại. Nhà vừa xây xong theo đúng giấy phép, đã vẽ hiện trạng sơ đồ nhà và đất rồi, đến quận mấy bận, lại tiếp tục bị điều chỉnh bản vẽ"- chị Linh bức xúc. Chị Hồng Tâm, phường 12, quận Bình Thạnh, đã nộp đơn xin cấp giấy hồng gần hai tháng, song đến nay vẫn chưa được UBND phường trả lời. "Đến hỏi thì cán bộ phường đưa ra hàng loạt lý do, nhưng đơn thì vẫn chưa duyệt"- chị Tâm nói. Qua tìm hiểu, sự chậm trễ này xuất phát từ nhiều lý do khách quan, như : Khu vực bị quy hoạch "treo", nguồn gốc nhà, đất phức tạp nên việc kiểm tra khó khăn...
Theo quy định, tại cấp phường, xã, người xin cấp giấy chủ quyền phải nộp toàn bộ hồ sơ theo quy định, trong đó thủ tục cam go nhất là được duyệt bản vẽ sơ đồ nhà, đất. Thời gian thụ lý và cấp giấy hồng là 30 ngày làm việc kể từ khi UBND cấp quận, huyện nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thế nhưng thời gian giải quyết thường không đúng quy định. Nhiều người dân than, khi lọt qua "cửa" phường, lại khó khăn ở "cửa" quận, huyện. Tại nhiều quận, huyện, việc kéo dài thời gian để thụ lý hồ sơ cho người dân trở thành chuyện hết sức bình thường, nhưng để tránh tiếng và bị cấp trên khiển trách do vi phạm quy trình cải cách hành chính, nhiều cán bộ thường hẹn miệng thay vì làm giấy gia hạn hoặc Công văn trả lời.
Cần thêm vài tháng nữa!
Giải thích về sự chậm chễ này, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Thông tin Tài nguyên Môi trường và Đăng ký nhà đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho rằng nguyên nhân là do cơ quan chức năng phải chấp hành theo các quy định tại Luật Nhà ở, nay muốn sửa phải mất nhiều thời gian để kiến nghị Trung ương, do vậy dù muốn hay không cũng phải tạm thời áp dụng quy trình trên.
Riêng vấn đề bản vẽ, theo Quyết định 54 của UBND TP. HCM, những cán bộ đảm trách việc thẩm định sẽ chỉnh sửa lại bản vẽ để người dân không phải tới lui nhiều bận. Song, hầu hết các quận, huyện không có đủ nhân lực để làm công việc này. Đa số các quận Gò Vấp, quận 4, quận 12, Tân Bình đều trả lại hồ sơ cho người dân tự chỉnh sửa hoặc bổ sung các chi tiết cần thiết.
Theo quy định của UBND TP. HCM, các quận, huyện phải sử dụng lại bản vẽ 207 (được lập theo Quyết định số 207 về xử lý nhà trái phép) để cấp "giấy hồng" cho dân. Song lượng bản vẽ này quá nhiều khiến nhiều quận, huyện khá vất vả điều chỉnh làm ảnh hưởng đến thời hạn trả kết quả, ví dụ như quận Gò Vấp có tới 7.000 hồ sơ sử dụng bản vẽ này.
Theo một cán bộ của Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh, việc kiểm tra nội nghiệp bản vẽ trước khi nhận hồ sơ xin cấp "giấy hồng" theo hướng dẫn của Sở Xây dựng là chưa hợp lý. Vì khi Phòng Quản lý đô thị chỉ có bản vẽ mà không có hồ sơ kèm theo thì không thể biết được thời điểm, xây dựng lúc nào, xây dựng đúng phép hay sai phép... Vì vậy cần kết hợp khâu kiểm tra nội nghiệp vào quá trình cấp "giấy hồng" để người dân không phải đi lại nhiều lần và cơ quan cấp giấy cũng dễ dàng làm việc. Còn thực tế ở huyện Hóc Môn cho thấy: Khách đông, quá tải nên người dân phải dài cổ chờ cả nửa tháng trời mới có nhân viên xuống đo vẽ. Từ lúc ký hợp đồng cho đến khi có một bản vẽ hoàn chỉnh (được duyệt, kiểm định) thì phải mất thêm gần 3 tháng nữa.
Thời gian này dài gấp đôi số ngày cấp "giấy hồng" theo Quyết định 54 của thành phố quy định 30 ngày. Sở dĩ có tình trạng kéo dài như vậy ở Hóc Môn là do bản vẽ phải qua quá nhiều khâu: vừa kiểm duyệt tại Phòng Quản lý đô thị về quy hoạch, vừa kiểm định tại Trung tâm đo đạc bản đồ về ranh, lô, thửa.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, ông Đỗ Phi Hùng cho biết, nhà và đất đã có bản vẽ phù hợp với hiện trạng, khi lập thủ tục đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất ở thì không phải đo vẽ lại. Khi bản vẽ cũ không còn phù hợp, hoặc chưa đủ các thông tin về nhà ở và đất ở thì buộc phải vẽ lại bản vẽ mới. "Việc vẽ lại hay chỉnh sửa bản vẽ còn phải tùy thuộc vào hiện trạng nhà và đất.
Tuy nhiên, trên nguyên tắc, bản vẽ hay hồ sơ chỉ điều chỉnh một lần duy nhất chứ không hẹn tới hẹn lui gây khó cho người dân"- ông Hùng đề nghị. Tuy nhiên, theo ông Hùng, vì đây là giai đoạn đầu áp dụng quy trình cấp sổ hồng mới nên vẫn còn có quận, huyện bị động ở một số khâu. Cần phải mất ít nhất khoảng vài tháng nữa thì các quận, huyện mới có thể thực hiện hoàn hảo quy trình cấp giấy hồng mới theo Quyết định 54.
Theo Linh Hoa - Việt Hoàng - Bộ Tài Nguyên & Môi Trường
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: