Từ năm 1992, UBND TP.HCM đã có chỉ thị khu đất Bình Quới - Thanh Đa được quy hoạch là khu văn hoá, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí. Điều này có nghĩa là khu đất được "đóng băng" hiện trạng. 12 năm sau, tình trạng tưởng đã được tháo gỡ khi TP ra quyết định thu hồi đất…
Địa phương thu hồi đất trước khi Chính phủ duyệt quy hoạch
Giữa năm 2004, UBND TP.HCM thu hồi khoảng 410ha, tạm giao đất cho Tổng công ty xây dựng Sài Gòn (Tổng công ty) làm chủ đầu tư bằng Quyết định số 2740. Theo đó, Tổng công ty sẽ tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm 2005, hoàn tất 2006. Dự án sẽ được triển khai trong khoảng 15 năm. Người dân khu bán đảo Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh lại hy vọng.
Nhưng 3 năm nữa trôi qua, khu vực Bình Quới – Thanh Đa vẫn “đóng băng”. Vậy là, khu này từ quy hoạch “treo” biến thành dự án “treo”, tổng cộng 15 năm – hai lần “treo” dành cho người dân.
Kể từ khi TP ra Quyết định 2740, thu hồi và tạm giao đất cho Tổng công ty, người dân không hề biết hay thấy một bản quy hoạch chi tiết khu vực này, ngoài một bản quy hoạch cũ, chưa phê duyệt chính thức. Đã hơn 3 năm, chẳng ai được mời lên để lấy ý kiến đóng góp (quy định bắt buộc) ngoài việc lên nhận quyết định thu hồi đất. Kế hoạch đền bù, giải toả, tái định cư… cứ u u minh minh, đánh đố người bị thu hồi.
Một điều nữa, quyết định thu hồi đất có từ giữa năm 2004, thế nhưng, đến hơn 2 năm sau, người dân nơi đây mới biết được (qua báo chí) Chính phủ vừa mới phê duyệt quy hoạch khu dân cư TP, trong đó có khu Bình Quới – Thanh Đa. Vậy, việc ra quyết định thu hồi hơn 400ha của UBND TP, trước đó hơn 2 năm, đã có quy hoạch chi tiết kèm theo hay chưa, được Chính phủ phê duyệt không? Tất cả những thắc mắc này, người dân không hề được giải đáp.
Ông Trần Huy Xuyên, ở 417/10 Bình Quới là một cựu chiến binh, kể: “Hàng trăm cuộc họp từ cấp phường, quận đến tiếp xúc đại biểu HĐND TP, tôi đều đem dự án “treo” này ra chất vấn. Thế nhưng các lãnh đạo chỉ hứa và đến nay mọi việc cũng trôi vào quên lãng”.
Sao không huỷ bỏ?
Như đã nói ở trên, kể từ khi được tạm giao đất đến nay, hầu như chủ đầu tư (Tổng công ty) không hề có một động thái rõ rệt nào để triển khai dự án. Ngoài việc đo đạc, cắm mốc (theo báo cáo của chủ đầu tư)… công tác đền bù giải toả chưa tiến hành được một bước nào. Hay như khu tái định cư (hơn 18ha) báo cáo rằng đã được triển khai, nhưng tìm mãi mà chẳng ai biết “đang triển khai” chốn nào?
Đầu năm 2006, Tổng công ty đưa ra một kế hoạch (đến 2010) cho Bình Quới – Thanh Đa. Lúc này, cũng đã gần 2 năm kể từ khi có quyết định tạm giao đất, nhiệm vụ quy hoạch dự án bán đảo xinh đẹp này vẫn chưa được TP phê duyệt.
Theo như kế hoạch đến 2010, thời hạn thực hiện dự án đến 2008 gồm: có quy hoạch chi tiết cho dự án, giải toả đền bù xong, xây khu tái định cư. Vậy là, phần đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án kéo ra dài thêm một số năm đáng kể nữa.
Trước nguy cơ dự án tiếp tục “treo” như quy hoạch trước, tháng 11.2006, phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Đào Anh Kiệt đã chính thức có công văn kiến nghị UBND TP huỷ bỏ hiệu lực pháp lý của Quyết định 2740. Sở lập luận, quyết định thu hồi đất đã ban hành đến tháng 11.2006 là hơn 2 năm, nếu tiếp tục kéo dài thêm mà không thực hiện được công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì không phù hợp với quy định của pháp luật đất đai. Đề nghị này đã không được thực hiện.
Vấn đề bây giờ là Tổng công ty xây dựng Sài Gòn không đủ năng lực triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vì theo khảo sát của Sở Tài nguyên - môi trường, Tổng công ty và quận Bình Thạnh chưa hề có quỹ nhà, quỹ đất phục vụ tái định cư. Như vậy, xem ra nỗi khổ vì sống trong vùng có dự án “treo” sẽ vẫn còn đeo đẳng người dân Bình Quới – Thanh Đa thêm một thời gian nữa, chưa biết sẽ treo đến bao giờ. Dù vậy, cái sự “treo” của quy hoạch, dự án vẫn chưa phải là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị treo kêu ca, than phiền. Điều đáng nói là những cấm đoán, những hạn chế không đúng pháp luật đối với quyền của người sử dụng đất trong khu quy hoạch.
Phát triển địa phương “xứng tầm”, có đô thị thật hoành tráng, hiện đại là tất yếu. Tuy nhiên, trong trường hợp này, dường như tính tất yếu đã bỏ qua tính khả thi.
Theo Doãn Khởi - Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: