Ba tháng sau ngày bắt đầu vỡ lở, khủng hoảng trong lĩnh vực tài trợ địa ốc ở Mỹ mới hé lộ dần quy mô khủng khiếp của nó, đồng thời tác động nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực kinh tế, từ địa ốc, ngân hàng, quỹ đầu tư đến công ăn việc làm và khả năng tiêu dùng của người dân...
Có hai vợ chồng Việt kiều nọ, chồng làm trong hãng dụng cụ y khoa, vợ làm phụ tá pháp lý một văn phòng luật sư ở Sunnyvale trong thung lũng Hoa vàng bang California.
Năm 2005, khi cơn sốt đầu tư địa ốc lên cao, hai người quyết định mua trả góp một căn nhà giá 439.000 đô la Mỹ, hoàn toàn bằng tiền vay với lãi suất thả nổi.
Hy vọng của họ là, tiền cho thuê nhà hàng tháng đủ để trả ngân hàng, nhà đất tiếp tục lên giá và sau khi trả hết nợ, bán căn nhà đi họ sẽ kiếm được một khoản tiền kha khá. Bất đồ, từ tháng 8 vừa qua, lãi suất tiền vay tăng từ 5,85% lên 7,375%; tiền phải trả hàng tháng tăng từ 3.091 đô la lên 3.843 đô la mà chưa có dấu hiệu dừng lại.
Hoảng quá, họ đăng quảng cáo bán nhà, nhưng bây giờ căn nhà được định giá chưa tới 350.000 đô la, giảm hơn 20% so với giá mua. Nếu không trả được nợ hàng tháng, căn nhà của họ sẽ bị ngân hàng tịch biên (foreclosure). Riêng tại bang California nơi có đông người Việt cư ngụ, số nhà bị tịch biên trong tháng 10 vừa qua đã là 72.571 căn.
Một báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội Mỹ công bố tuần trước ghi nhận toàn quốc có 18 triệu căn nhà mua trả góp theo diện lãi suất thả nổi, trong đó 2 triệu căn có thể bị tịch biên và hiện các ngân hàng đã “siết nợ” 443.000 căn; con số này cao gấp 4 lần con số do chính quyền liên bang Mỹ đưa ra.
Ủy ban còn tính ra rằng, số nhà bị siết nợ sẽ làm mất đi 71 tỉ đô la tiền vay không thu hồi được, cộng thêm 32 tỉ đô la thất thoát do loại nhà bị phát mãi này có xu hướng kéo giá nhà ở khu vực lân cận giảm xuống; chưa kể rằng chính quyền sẽ mất đi 970 triệu đô la tiền thuế nhà đất trong khi phải chi thêm rất nhiều tiền để bảo vệ an ninh và phòng chống tội phạm những khu vực có nhiều nhà cửa bỏ hoang.
Cho đến nay, các cơ quan kinh tế vẫn chưa thể thống kê hết thiệt hại do khủng hoảng nhà đất gây ra nhưng dự báo thiệt hại của nhà đầu tư và các tổ chức tài chính tài trợ việc mua nhà trả góp sẽ không dưới 400 tỉ đô la Mỹ.
Điều trần trước Quốc hội Mỹ cuối tuần trước, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke, chỉ nói lấp lửng rằng, “thiệt hại 200 tỉ đô la là hoàn toàn có căn cứ”.
Các ngân hàng và tổ chức tài chính trước đây dễ dãi trong việc cho vay mua nhà trả góp thế chấp bằng chính ngôi nhà đó với lãi suất linh hoạt là những người đầu tiên bị thiệt hại. Trong tuần qua, giới đầu tư sửng sốt khi các ngân hàng nối nhau công bố những con số lỗ lã, thất thoát khổng lồ do nợ xấu không thu hồi được.
Tập đoàn Ngân hàng Citigroup trước đây dự kiến thất thoát 8 tỉ đô la, nay nâng lên 11 tỉ, Morgan Stanley mất đi 3,7 tỉ đô la trong tháng 10, tương tự Wachovia - ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ, mất đi 1,1 tỉ đô la và dự kiến mất thêm 600 triệu đô la trong tháng này. Các ngân hàng Bank of America, JP Morgan Chase... cũng tương tự.
Khi ngân hàng lâm nạn thì thị trường chứng khoán lãnh đủ. Tuần qua là thời gian ảm đạm của thị trường chứng khoán New York khi các chỉ số đều giảm ở mức báo động. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hôm thứ Sáu tuần trước giảm 223,55 điểm, tương đương 1,69%; so với đầu tuần trước đã giảm 4,2%; chỉ số Standard & Poors 500 trong một tuần giảm 3,9%.
Đáng chú ý là chỉ số công nghệ cao Nasdaq - dựa trên giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ thông tin hùng mạnh như Google, Apple, Qualcomm, Microsoft..., cho đến nay được coi là “miễn dịch” với những rối loạn trên thị trường nhà đất - tuần qua đã giảm đến 7%, mức sụt giảm chưa từng thấy kể từ vụ khủng bố Trung tâm Thương mại thế giới ngày 9-11-2001.
Quy mô khủng hoảng trong lĩnh vực địa ốc ở Mỹ không chỉ tính bằng số tiền thất thoát của các ngân hàng hay sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Hiệp hội Bất động sản Mỹ vừa cho biết, từ tháng 8 đến nay số căn nhà bán được chỉ bằng một nửa so với dự kiến và ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Hiệp hội này dự tính, khủng hoảng nhà đất đang diễn ra có thể làm cho người Mỹ mất đi từ 2.000-4.000 tỉ đô la, tùy theo giá nhà sẽ giảm đến mức nào. Theo số liệu của FED, thị trường bất động sản Mỹ có giá trị khoảng 21.000 tỉ đô la; nếu giá nhà đất giảm bình quân 1% thì sẽ có 210 tỉ đô la tan thành mây khói.
Ấy thế nhưng theo Global Insight, một tổ chức nghiên cứu có uy tín, giá nhà đất ở Mỹ sẽ giảm 10% từ nay đến giữa năm 2009, còn các chuyên gia của Goldman Sachs dự báo mức giảm sẽ trong khoảng 15-20%.
Có một hiện tượng ít được chú ý là khả năng tiêu dùng của người Mỹ phụ thuộc vào giá nhà đất nên giá nhà giảm sẽ làm mức chi tiêu của người dân giảm theo tương ứng. Trong mấy năm vừa qua, tốc độ tăng tiêu dùng của người Mỹ diễn ra nhanh hơn mức tăng thu nhập bình quân vì người ta có xu hướng vay mượn tiền để chi tiêu ỷ vào giá nhà đất tăng liên tục.
Nguyên Thống đốc FED Alan Greenspan tính ra rằng, từ năm 2004-2006 người Mỹ đã cầm cố nhà cửa để vay mượn 810 tỉ đô la, trong đó sử dụng 340 tỉ đô la cho chi tiêu cá nhân và chính xu hướng ăn tiêu xả láng này là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế Mỹ.
Nigel Gault, nhà kinh tế trưởng của Global Insight, tính ra rằng, thị trường bất động sản mất đi một đô la thì thị trường tiêu dùng sẽ giảm 6 xu; nghĩa là trong vài năm tới, sức mua của thị trường Mỹ sẽ giảm mỗi năm khoảng 60-200 tỉ đô la do khủng hoảng nhà đất. Sự sút giảm này chưa đủ sức làm suy yếu kinh tế Mỹ nhưng chắc chắn sẽ tác động xấu đến các nhà xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ.
Ngoài ra, công ăn việc làm giảm sút cũng ảnh hưởng tới thu nhập và chi tiêu. Trong các năm sốt địa ốc từ năm 2003 đến tháng 3-2006, ngành địa ốc Mỹ tạo ra thêm 1,3 triệu việc làm mới, bằng 23% số việc làm mới của cả nền kinh tế; nhưng chỉ từ tháng 8-2007 đến nay đã có 383.000 nhân viên địa ốc, thợ xây dựng... bị mất việc.
Ám ảnh mất việc cũng đang treo lơ lửng trên đầu các nhân viên ngân hàng khi thứ Hai vừa qua Ngân hàng Bank of America công bố sa thải 3.000 nhân viên bộ phận tín dụng và đầu tư để khắc phục thua lỗ. Ngay trên địa bàn Quận Cam, nơi có cộng đồng người Việt đông đảo, đã có gần 100 công ty địa ốc và tài chính đăng thông báo giảm hàng ngàn nhân viên trên báo OC Register...
Theo TBKT Sài Gòn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: