Top

Chỉnh đốn thị trường đất đai Trung Quốc: Sử dụng đất trái phép còn nhiều

Cập nhật 09/11/2007 14:00

Xử lý sai phạm còn quá nhẹ. Kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự 32 người có sai phạm về đất đai, cuối cùng chỉ bảy người bị truy cứu.

Sử dụng đất trái phép tràn lan

Theo Cục trưởng Trương Tân Bảo (Cục Giám sát thi hành pháp luật - Bộ Tài nguyên lãnh thổ), sau bốn năm chỉnh đốn, thị trường đất đai về cơ bản đã có những chuyển biến rõ rệt, thể hiện ở các mặt:

- Trung ương yêu cầu nghiêm ngặt đối với công tác quản lý đất đai;

- Quần chúng tích cực tham gia công tác giám sát và quản lý đất đai, có nâng cao ý thức về quyền bảo vệ đất đai;

- Chính quyền các địa phương có nâng cao ý thức sử dụng đất, quản lý đất đai theo pháp luật;

- Các ban ngành hữu quan ngày càng ủng hộ công tác thi hành Luật Đất đai;

- Các ban ngành quản lý tài nguyên lãnh thổ có tăng cường năng lực quản lý, giám sát đất đai.

Dù vậy, trong bối cảnh xảy ra tình trạng “ba quá” (tốc độ đầu tư quá nhanh, đầu tư tín dụng quá nhiều, thặng dư thương mại quá lớn), nhìn chung Trung Quốc chỉ mới nắm chắc “cửa van” phê duyệt đất chứ chưa nắm giữ được “cửa van” sử dụng đất.

Một số chính quyền cơ sở vì muốn lập thành tích thu hút đầu tư mà âm thầm để hiện tượng vi phạm đất đai ung dung tồn tại. Các ban ngành quản lý tài nguyên lãnh thổ cấp huyện, thành phố còn bị động trong việc xử lý hành vi sai phạm.

Theo thống kê về đất đai của 90 thành phố vừa công bố, từ tháng 10-2005 đến tháng 10-2006, trong các công trình xây dựng mới sử dụng đất trên sơ đồ đất đai, ngoài các hạng mục trọng điểm, còn lại 130.000 vụ chưa được cấp giấy phép sử dụng đất. Diện tích đất liên quan đến 240.000 mẫu.

Ba nguyên nhân

Tình trạng trên xuất phát từ ba nguyên nhân:

- Khả năng dẫn dắt đến hành vi vi phạm đất đai vẫn tồn tại. Về khách quan, mâu thuẫn giữa cung và cầu trong đất đai vẫn còn kéo dài. Về chủ quan, chế độ thi tuyển cán bộ và chế độ thuế hiện nay vẫn chưa tốt nên một bộ phận cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc.

- Mô hình cung cầu trong thị trường đất đai chưa chuyển biến. Hiện nay, mô hình sử dụng đất chủ yếu của các địa phương là đất đai xoay quanh các hạng mục đầu tư. Khi lãnh đạo các tỉnh, thành phố đưa ra trăm phương ngàn kế để thu hút đầu tư, các ban ngành phụ trách tài nguyên lãnh thổ chỉ còn cách cung cấp đất.

- Mức độ xử phạt vi phạm quá nhẹ. Theo thống kê, từ tháng 11-2004 đến tháng 8-2006, các ban ngành quản lý tài nguyên, môi trường các cấp ở một tỉnh miền Trung đã kiến nghị với các cơ quan giám sát, kiểm tra kỷ luật xử lý kỷ luật Đảng 96 người. Rốt cuộc số bị kỷ luật chưa tới một nửa. Số người kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của tỉnh này lên cơ quan tư pháp là 32 người, thực tế chỉ có bảy người bị truy cứu.

Năm 2005, tại một thành phố ven biển, các ban ngành quản lý tài nguyên lãnh thổ kiến nghị lên tòa án cưỡng chế thi hành án 937 vụ. Thực tế chỉ có một vụ được thực hiện. Cũng do xử lý vi phạm không đến nơi đến chốn, có trường hợp người vi phạm lại được cất nhắc, trọng dụng.

Cần phải tiếp tục duy trì các biện pháp ngăn chặn nạn chiếm dụng đất trái phép và mạnh tay với các án nghiêm trọng để lấy đó là bài học. Ví dụ hồi tháng 9-2006, Quốc hội đã kiên quyết yêu cầu điều tra rõ một vụ vi phạm phê duyệt đất tại TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.

Ngoài ra, phải cải cách và hoàn thiện các cơ chế, chế độ liên quan như thuế, thi tuyển cán bộ, tạo môi trường bên ngoài có lợi cho quản lý đất đai. Và cuối cùng là tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật, chính sách cho cán bộ lãnh đạo các địa phương.

Theo Pháp Luật