"Nông thôn không còn được xem như là sự kéo dài tự nhiên của thành phố cũng như không đơn thuần là một nơi nghỉ ngơi giải trí . Đó phải là một bộ phận không thể tách rời của không gian đô thị và của một nền kinh tế đô thị" - KTS Yves Lion.
Chính phủ làm gương
Bên cạnh các nhà ga, vào năm 2030, thủ đô nước Pháp sẽ phân bố lại các công trình kiến trúc và các kết cấu hạ tầng khác trải rộng khắp trên toàn bộ lãnh thổ. "Paris cần phải thể hiện một chính sách đô thị mới thông qua việc xây dựng các công trình văn hóa ở vùng ngoại ô" Roland Castro kiến nghị.
Để đáp ứng nhu cầu giải trí cuối tuần cũng như dã ngoại của học sinh, các công trình lớn sẽ được xây dựng ở vùng ngoại ô như viện bảo tàng tưởng niệm thế giới, hội chợ triển lãm Gênse, nhà hát… Những công trình này sẽ phần nào giảm bớt sự thiếu hụt các công trình văn hóa ở các khu ngoại ô.
Chính phủ sẽ làm gương trước tiên. Khoảng hai mươi cơ quan cấp bộ và các cơ quan hành chính lớn sẽ chuyển tới Créteil, Clichy, Sarcelles và Gennevilliers. "Phân bổ lại các Bộ ra vùng ngoại ô điều đó cũng giúp ích cho việc tạo ra lợi ích công cộng ở khắp nơi", Roland Castro lập luận.
Biểu trưng cho quá trình này sẽ là trụ sở của "Đại Paris", một tòa nhà tiết kiệm năng lượng và đảm bảo tiêu chuẩn môi trường được xây dựng tại điểm hợp lưu của sông Seine và sông Marne.
Tỉnh trưởng an tâm
Giao thông nội đô Paris tương lai của Rogers Stirk Harbour.
Ảnh: linternaute.com
Dĩ nhiên quan trọng hơn việc thiết lập những công trình khổng lồ là việc mỗi km lãnh thổ phải được chăm sóc để tạo cho nó một bộ mặt đô thị: Mạng lưới đường phố và đại lộ chạy dọc các khu dân cư cho phép lưu thông từ khu vực này sang khu vực kia môt cách thuận tiện.
"Mạng lưới đường cao tốc và đường sắt đã có làm gia tăng thêm nhiều hố ngăn cách và làm cho lãnh thổ bị chia cắt đứt đoạn" - Christian de Portzamparc phân tích. Để khắc phục người ta sẽ thiết lập các cầu vượt và hầm dành cho người đi bộ xuyên qua các đường quốc lộ, đường cao tốc cũng như đường sắt.
Ảnh: linternaute.com.
Vào năm 2030, người dân Paris có thể cư trú ở mọi nơi trên toàn bộ thủ đô. Lâu nay người dân thủ đô luôn đối mặt với giá nhà đất cao nơi đây và buộc phải sống chuyển ra sống ở các vùng rất xa trung tâm. 20 năm tới tình trạng này sẽ được khắc phục, khoảng 60.000 chỗ ở được tạo ra hàng năm.
"Đại Paris" vào năm 2030 sẽ có thêm 1.5 triệu dân so với năm 2009. Người dân có thể xây nhà ở khắp mọi nơi và nhờ thế làm hạ giá nhà đất bằng 2 nguyên lý đơn giản: Làm cho giá đất rẻ hơn thông qua tăng nguồn cung và xây dựng nhà cửa ở những khu vực lâu nay người ta cho là không thể.
Để làm được điều đó, kiến trúc sư Yves Lion cho rằng: "Chúng ta phải chấp nhận việc dân cư sống gần các khu vực đường xá, giống như những gì mà người Hà Lan đã làm, thay vì buộc dân cư sống cách xa các khu vực này như lâu nay."
Để làm điều này, người ta kiến nghị bãi bỏ quy định mang tên Dupont vốn cấm xây dựng trong vòng 100m kể từ các con đường có mật độ lưu thông cao.
"Người ta hoàn toàn có thể xây dựng ở nhưng nơi có nguy cơ lũ lụt, cần phải chấm dứt nguyên tắc phòng ngừa vốn chỉ giúp ích cho các ông tỉnh trưởng ăn no ngủ kỹ". Roland Castro nói thêm.
Văn minh đô thị
Ảnh: linternaute.com
Sẽ có khoảng 270km2 đất lâu nay là những con đường chật đầy xe cộ sẽ được chuyển đổi thành các đại lộ có cây xanh thuận tiện cho người đi bộ chạy dọc theo các khu dân cư, trên các con đường "kiểu mới này" sẽ cùng lúc có tàu điện xe đạp cùng song hành với xe hơi.
Người ta cũng sẽ sử dụng xe hơi ít đi bằng cách tăng thêm các khu vực cấm xe hơi và tăng giá xăng đồng thời khuyến khích dân chúng sử dụng các phương tiện giao thông sạch khác. Sự bùng nổ của nhu cầu mua sắm thông qua mạng internet làm nảy sinh thêm hàng trăm trung tâm giao hàng trở thành các trung tâm tập trung của các khu dân cư.
Một mô hình phỏng theo konbini của Nhật, hệ thống các siêu thị nhỏ dựa trên dây chuyền phân phối được cấu trúc tốt và tin học hóa giảm thiểu việc vận chuyển. Người dân có thể đi mua sắm thông qua việc lướt web, trả tiền và nhận hàng mà không cần phải di chuyển.
Đến năm 2030, việc di chuyển bằng ô tô trong khu vực Paris sẽ giảm đi đáng kể. Thông qua quá trình cơ cấu lại các trung tâm kinh tế và hệ thống giao thông công cộng. Kế hoạch này liên quan đến việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm chạy xung quanh thành phố Paris và nối liền các trục kinh tế, như là Roissy, Orly, La Defense, v.v…
Hệ thống metro có tên là "Grand Huit", dài khoảng 130km sẽ nối kết tất cả các trạm chót của các đường tàu điện ngầm và xe bus có sẵn. Số tiền đầu tư vào dự án này ước tính lên tới 21 tỷ đôla.
Một toà nhà tận dụng các nguồn năng lượng tái sinh (ảnh trái)
và hệ thống tái tạo năng lượng của một thành phố (ảnh phải)
Ảnh: linternaute.com.
Rừng cây xanh trong "Đại Paris"
Theo ý tưởng của nhóm kiến trúc sư do Richard Roger phụ trách thì các trung tâm phân loại rác thải kết hợp với hệ thống mê tan hóa các loại rác thải phân hủy để sản xuất năng lượng, thì nước mưa dùng để tưới cho các khoảng không gian xanh sẽ được xây dựng ngầm dưới các tòa nhà hiện có nhằm khai thác tối đa diện tích đất sử dụng cũng như nâng cao tính thẩm mỹ của các khu chế biến rác thải.
Nhóm này cũng khuyến nghị áp dụng các công nghệ mới cho phép giảm thiểu tình trạng sử dụng phí phạm năng lượng, sử dụng các hình thức sưởi ấm mới và giảm bớt rác thải ở trung tâm cũng như toàn vùng ngoại ô Paris.
Ngoài ra, về tổng thể mục tiêu phát triển bền vững và vấn đề môi trường sinh thái cũng là mối quan tâm hàng đầu của các nhóm kiến trúc sư phụ trách dự án.
Ngay cả những tòa cao ốc trong đề án Jean Nouvel cũng đề cao các giá trị trên thông qua việc sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh (năng lượng từ sức gió, điện mặt trời, khí bio gaz…)
|
Paris tương lai sẽ tăng thêm các công viên, hồ nước tại thủ đô và vùng phụ cận - (Ảnh: linternaute.com).
|
|
Dự án "Đại Paris" cũng sẽ trả lại cho thiên nhiên vị trí xứng đáng của nó thông qua việc tăng thêm các công viên và hồ nước tại thủ đô và vùng phụ cận. Chính quyền cũng cho phép người dân thành phố trồng cây ở những khu vực có thể. Ngoài ra còn thiết lập một vành đai rừng cũng như các khu vực nông nghiệp ngay trong thành phố.
"Nông thôn không còn được xem như là sự kéo dài tự nhiên của thành phố cũng như không đơn thuần là một nơi để nghỉ ngơi giải trí mà đó phải là một bộ phận không thể tách rời của không gian đô thị và của nền kinh tế đô thị" - KTS Yves Lion giải thích.
Để đạt được mục tiêu này, các nhà hoạch định dự án đưa ra tiêu chỉ khai thác sử dụng bền vững các khu rừng của thủ đô.
Theo đó đến năm 2030 diện tích rừng của vùng sẽ tăng thêm 30%, với 1400km2 rừng được tăng thêm bổ sung cho 4500km2 hiện có sẽ tạo cho Paris và vùng phụ cận một thảm thực vật rộng lớn góp phần cung cấp gỗ để sưởi ấm vào mùa đông cũng như làm vật liệu xây dựng… góp phần chống lại các ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu.
>"Đại Paris" và tầm nhìn qui hoạch đến 2030
DiaOcOnline.vn - Theo Tuần Việt Nam
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: