Top

“Bó tay” với xây dựng trái phép?

Cập nhật 28/07/2007 10:00

Theo số liệu tổng hợp từ 24 quận huyện và Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM, từ đầu năm 2007 đến nay tình hình xây dựng trái phép, sai phép trên toàn địa bàn TP tiếp tục diễn biến phức tạp với 3.518 vụ được phát hiện, trong đó có 1.700 vụ sai phép, 1.184 vụ không phép. Các vụ vi phạm chủ yếu diễn ra ở các quận ven, ngoại thành – nơi đang đô thị hóa – như: quận 8, Bình Tân, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… (2.335 vụ).

1.001 nguyên nhân!

Theo Sở Xây dựng, nhà xây dựng sai phép, trái phép chủ yếu là các dạng bán kiên cố, xây dựng trên đất chưa có quy hoạch chi tiết 1/2000 hoặc chưa có quy hoạch sử dụng đất.

Trong số các vụ vi phạm, có 812 vụ bị phạt tiền, 213 vụ buộc tháo dỡ. Riêng Sở Xây dựng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm và ban hành 159 quyết định xử phạt hành chính đối với các cá nhân và tổ chức tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.

TPHCM đang trong quá trình đô thị hóa, nên nhu cầu về nhà ở cũng tăng theo. “Động cơ” xây dựng trái phép, có thể thấy rõ nhất là từ bộ phận dân cư nội thành bị giải tỏa, người dân ở vùng nông thôn có nhu cầu cho con cái ra riêng và một bộ phận dân di cư tự do từ các địa phương khác vào làm việc, sinh sống ngày một gia tăng. Phần lớn trong số này không am hiểu các quy định pháp luật về xây dựng.

Trước một thực tế như vậy, các quy định pháp luật và việc thực thi chúng ở một đô thị lớn như TPHCM lại còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo Luật Xây dựng, việc cấp phép xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt. Tuy nhiên, trên địa bàn TP, nhất là các quận ven, ngoại thành, quy hoạch chi tiết 1/2000 chưa được phủ kín, đặc biệt là các điểm dân cư nông thôn.

Tình trạng này khiến người dân, cơ quan cấp phép và cơ quan quản lý xây dựng không có cơ sở để xác định khu vực nào không cần phải xin phép, khu vực nào phải xin phép. Đã vậy, ở ngoại thành và những quận mới như quận 2, 7, 12, Thủ Đức, đa số đất là đất nông nghiệp, người dân muốn xây dựng nhà ở phải tiến hành lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng. Trong lúc đó, tiền chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở lại cao so với thu nhập người dân, nên nhiều người không… thèm lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất mà chấp nhận xử phạt để có nhà ở.

Công bằng mà nói, theo quy định pháp luật hiện nay, công tác cấp phép xây dựng đã được đơn giản về thủ tục, rút ngắn về thời gian so với trước. Tuy nhiên, trong thực tế tình hình vẫn không mấy chuyển biến, xuất phát từ “sức ì” và sự yếu kém của các địa phương. Cụ thể, Luật Xây dựng quy định UBND cấp huyện phải quy định cụ thể những điểm dân cư tập trung để giải quyết cấp phép xây dựng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý, UBND cấp xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được duyệt…

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng, đến nay công tác này vẫn chưa được thực hiện. Trong lúc đó, cán bộ phụ trách đô thị tại một số xã lại không đủ trình độ để thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng, thậm chí có cán bộ không đủ khả năng đọc bản vẽ. Chính vì vậy, khi người dân có nhu cầu xây dựng, cơ quan cấp phép từ chối giải quyết hồ sơ vì cho rằng không có cơ sở giải quyết.

Đó là chưa kể, do công tác cấp “sổ đỏ”, “sổ hồng”, “sổ xanh” đang được tiến hành tại các quận huyện nên người dân khi có nhu cầu nhà ở cấp bách… ngại phải tiến hành cùng lúc quá nhiều thủ tục như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng.

Thanh tra xây dựng - chiếc đũa thần?

Trước những bất cập trong công tác quản lý đô thị, ngày 9-11-2006, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 160 về việc kiện toàn tổ chức bộ máy Đội quản lý trật tự đô thị quận – huyện, tổ quản lý trật tự đô thị phường – xã - thị trấn. Tuy nhiên, do lực lượng này vừa mỏng vừa yếu do lương bổng không quá 1 triệu đồng/người/tháng và không có chế độ đãi ngộ, lại phải ôm đồm quá nhiều việc (quản lý trật tự xây dựng chỉ là một trong rất nhiều nhiệm vụ như giữ gìn trật tự lòng lề đường, môi trường, đất đai, thi hành các quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật, quản lý người ăn xin…) nên không thể đảm đương được công việc.

Chính vì vậy, để giám sát tốt hơn công tác quản lý xây dựng, mới đây Bộ Xây dựng đã thí điểm triển khai lực lượng thanh tra xây dựng quận – huyện, phường – xã – thị trấn ở TPHCM và Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết 20 ngày 11-4-2007 của Chính phủ. Đây được xem là một biện pháp tốt để góp phần quản lý hiệu quả hoạt động xây dựng trên địa bàn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù lực lượng này có hình thành thì đó cũng không phải “chiếc đũa thần”. Do đó, trong khi chờ thành lập lực lượng thanh tra xây dựng thì nhất thiết phải củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý hoạt động xây dựng hiện hữu, có chính sách đãi ngộ để thu hút cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành, đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến người dân. Bên cạnh đó, phải xác định trách nhiệm chính đối với công tác quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn là thuộc về UBND các phường – xã - thị trấn.

Cơ quan “nằm vùng” này phải có trách nhiệm kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý ngay từ đầu mọi trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng (buộc khôi phục hiện trạng ban đầu hoặc chuyển cơ quan thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm không thuộc thẩm quyền). Để làm tốt việc này thì chính quyền địa phương phải phối hợp tốt với cơ quan công an rà soát, kiểm tra các khu có tình trạng phân lô bán nền, các điểm bán vật liệu xây dựng trái phép, xác định các đối tượng đầu nậu… để có biện pháp xử lý triệt để, nghiêm minh theo pháp luật.

Ở cấp cao hơn, việc lập, phê duyệt và công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và điều chỉnh quy hoạch tổng thể của TP cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội phải được cơ quan thẩm quyền tập trung đẩy nhanh tiến độ đồng thời với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn TP. Trong quá trình triển khai, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải có báo cáo kịp thời hoặc đề xuất ngay những giải pháp phù hợp để giải quyết nhu cầu xây dựng nhà ở cho dân.

Theo Phan Trung - Sài Gòn Giải Phóng