Top

“Treo” tính mạng trên vùng sạt lở!

Cập nhật 27/07/2007 17:00

Tại khu vực đường Tầm Vu (quận Tân Bình - TPHCM), nơi bị sạt lở đã được chính quyền giăng dây phong tỏa, nhưng nhiều người vẫn trở về kéo dây chắn lên cao để tiếp tục làm ăn, sinh sống.

Địa phương muốn di dời, người dân muốn bồi thường thiệt hại, công tác đưa dân ra khỏi vùng sạt lở gần như giậm chân tại chỗ. Hiện hàng chục hộ dân trong vùng sạt lở ven các sông rạch trên địa bàn TP đang gặp nguy hiểm khi mùa mưa bão đã về.

Vào nhà mình phải... dè chừng

Sau 2 tháng kể từ sau vụ sạt lở ngày 18-5, khu vực rạch Tôm xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng, hiện trường còn nguyên vết đổ nát. “Cả gia đình 5 người phải sống tạm bợ trong nửa căn nhà còn lại vì cả gian bếp và công trình phụ đã đổ xuống sông, sợ nhất là đứa cháu chưa đầy 2 tuổi hay chạy chơi, lỡ...”, nhìn khoảng nhà sau trống hoác, cô Giang Thị Bảy (ấp 2) bỏ ngang câu nói. Ông Nguyễn Văn Đệ (ấp 2) bức xúc: “Chuyển đi hay cho ở thì cũng phải nói một tiếng cho dân biết, chứ lúc nào cũng phải dè chừng như vầy, tui mệt lắm!”.

Trở lại vụ sạt lở tại rạch Xóm Củi, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, dù được bố trí tạm cư tại Trường Tiểu học Bình Hưng nhưng 9 hộ bị ảnh hưởng vẫn chưa di dời mà che tạm lều bạt phần trước nhà chưa bị sạt để ở. Một người còn “khoe” với chúng tôi những vết muỗi cắn chi chít như minh chứng cho cảnh “màn trời chiếu đất” của họ. Tại Thanh Đa (quận Bình Thạnh), đoạn sông có nguy cơ sạt lở lớn nhất hiện nay, vết nứt dọc vỉa hè đường Tầm Vu phường 26 ngày càng rộng và kéo dài, không chỉ khiến các hộ bên phía bờ sông mà ngay cả các hộ bên kia đường cũng lo lắng không kém.

Phía bờ sông thuộc phường 27, nước rút để lộ ra những hàng cọc xiêu vẹo mục nát khiến những hộ dân ở đây lẫn người qua đường không khỏi lo ngại về một đợt sạt lở mới trong mùa mưa bão sắp tới. Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25) bày tỏ: “Căn nhà là toàn bộ tài sản của chúng tôi, làm sao có thể bỏ đi được. Với lại, để thuê một căn nhà đâu phải là dễ mà giá cả thì đắt đỏ”. Chính vì vậy, các hộ này đành liều nhắm mắt làm ngơ trước “bảng đỏ”- bảng cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở. Thậm chí tại khu vực đường Tầm Vu, tuy phường đã giăng dây phong tỏa khu vực bị sạt lở nhưng những người ở nhà số 801/88 vẫn trở về kéo dây chắn lên cao để tiếp tục làm ăn, sinh sống.

Chờ... đối chất, kiến nghị!

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết ngày 24-7, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP và UBND huyện đã đến vận động các hộ bị sạt lở tại kênh Xóm Củi di dời vào Trường Tiểu học Bình Hưng, đồng thời kiến nghị lên cấp trên mức trợ cấp là 5 triệu đồng/hộ và 15 kg gạo/tháng/người. Do phần đất của các hộ này nằm trong lộ giới sông nên sẽ không được bồi thường mà sẽ tổ chức đối chất giữa người dân với gia đình người đã bán đất không thuộc sở hữu cho họ. Nếu hai bên không tự dàn xếp được, UBND huyện sẽ hướng dẫn thủ tục để giải quyết thỏa đáng cho người dân.

Tại khu vực Thanh Đa, ông Dương Hồng Thắng, Phó Phòng Quản lý Đô thị quận Bình Thạnh, cho biết quận đang tập trung di dời khẩn cấp 39 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm tại phường 26. Còn tại phường 25, dự án 1.1 đã thực hiện giải tỏa 31 trong tổng số 51 căn hộ. Một số khu vực còn lại, quận đã có đề xuất hỗ trợ, nhưng trước mắt là vận động dân tự nguyện di dời để bảo đảm tính mạng.

Theo Thu Sương - Người Lao Động