Top

Cầu thang trong căn nhà dưới góc nhìn phong thủy

Cập nhật 05/12/2018 10:13

Dưới góc nhìn phong thủy, cầu thang còn có một vai trò khác, đó là việc phân bố các nguồn năng lượng lên các không gian không cùng cao độ, mang đến sức sống cho toàn bộ căn nhà, tăng cường sức khỏe cũng như nguồn tài lộc cho gia chủ. Dưới đây là chia sẻ của KTS Phạm Cương - Hội KTS Việt Nam về phong thủy cầu thang trong căn nhà.

Những yêu cầu về hướng và vị trí

Cầu thang là mạch dẫn khí lên các không gian phía trên. Nó có vai trò như một cái cửa đón và phân bổ các dòng năng lượng theo chiều thẳng đứng. Cửa này nếu đặt ở vị trí tốt, đón được nhiều dòng sinh khí cát lành thì những phần không gian phía trên cũng sẽ có được nguồn năng lượng dồi dào.

Phong thủy về cầu thang giữ vai trò quan trọng đến sức khỏe và tài lộc của mỗi gia đình

Nhiều người quan niệm nếu hướng cầu thang đối diện cửa chính thì gia chủ sẽ bị hao tán tiền của, tài lộc sẽ bị tuôn chảy hết. Điều này đúng nhưng chưa đầy đủ. Sự vận hành của cầu thang luôn có hai chiều lên và xuống. Những ngôi nhà có cầu thang đối diện cửa chính thì sẽ nhận được nhiều năng lượng nhưng sự suy thoái cũng rất lớn.

Dưới góc nhìn phong thủy, những ngôi nhà có kiểu cầu thang này thì có thể làm ăn tốt nhưng sẽ không giữ lại được nguồn tài lộc. Vì vậy, không nên bố trí cầu thang đối diện cửa để tránh hiện tượng tiền vào cửa trước rồi lại ra cửa sau. Trong trường hợp bất khả kháng thì có thể đánh lệch hướng cầu thang hoặc đặt dưới chân cầu thang một chậu cây (có tính Mộc) để ngăn cản dòng năng lượng thoát ra ngoài.
Cầu thang nên tránh đặt giữa nhà bởi vì khu vực giữa nhà (trung cung) thuộc Thổ sẽ bị cầu thang thuộc Mộc khắc. Nếu lỡ phạm phải thì tốt nhất nên di chuyển cầu thang hoặc thay đổi tâm nhà bằng cách nối dài không gian sử dụng. Các trường hợp bất khả kháng thì cũng cố tránh đặt bậc cầu thang đầu tiên vào giữa nhà.

Cầu thang kỵ đặt từ phía sau nhà đi lên sẽ không thuận chiều đón năng lượng từ cửa ra vào dẫn đến các tầng trên sẽ không có được sinh khí dồi dào. Cầu thang cũng không được đâm thẳng vào bếp hoặc nhà vệ sinh ở bất cứ tầng nào vì sẽ làm cho các nguồn năng lượng hao tán hết. Đồng thời cần lưu ý không để dầm (xà nhà) đè lên cầu thang.

Ngoài ra, không gian dưới gầm cầu thang vốn là nơi tối tăm, không khí tù đọng nên tránh đặt bếp ở khu vực này sẽ làm cho căn bếp không được sự thoáng đãng, sạch sẽ. Tuy nhiên, việc bố trí một bể cá hay vườn tiểu cảnh ở dưới gầm cầu thang lại là một cách làm thông minh vừa giúp hóa giải những năng lượng xấu vừa tạo được điểm nhấn sinh động cho ngôi nhà.

Cầu thang nên thiết kế vận hành đi lên theo ngược chiều kim đồng hồ vừa thuận theo nguyên lý hoạt động, sinh hoạt của con người vừa phù hợp với nguyên tắc Phong thủy, đặc biệt là khi đi lên, tim chúng ta luôn gần với tâm của trục thang đứng sẽ giảm bớt sự mệt nhọc trong quá trình leo cầu thang.

Những yêu cầu về kiểu dáng, chất liệu, số lượng, kích thước bậc

Cầu thang trong một ngôi nhà phải đảm bảo được hai yêu cầu quan trọng nhất là chứa và dẫn khí. Chính vì vậy mà những loại cầu thanh để hở cổ bậc hay những loại không có thành chắn đều không tốt theo quan niệm Phong thủy. Những lỗ hổng này cần phải được lấp kín, có thể bằng cách trải thảm cầu thang để đảm bảo tính thẩm mỹ. Ngoài ra, cầu thang yêu cầu luôn phải chắc chắn và liền mạch. Tuy vậy, tránh làm cầu thang quá dài từ tầng này lên tầng khác mà không có chiếu nghỉ. Dạng cầu thanh xoắn quanh cột cũng không tốt vì dễ tạo sự mệt mỏi cho người sử dụng.

Việc xác định số bậc của một cầu thang cũng khá quan trọng. Người ta thường lấy số bậc lẻ thay vì chọn số bậc chẵn. Xét dưới quan điểm Phong thủy, số bậc cầu thang thường được dựa trên quan điểm về 4 chữ: Sinh, bệnh, lão, tử hoặc sinh, lão, bệnh, tử.

Về chất liệu, nên sử dụng những vật liệu tạo sự ấm áp cho cầu thang. Tốt nhất là nên chọn vật liệu gỗ hoặc đá cho cầu thang trong nhà vì nó mang tính Mộc và Thổ. Hai hành này rất gần gũi với con người, nhất là không gian nhà ở. Còn những chất liệu kim loại như inox tạo cảm giác lạnh lẽo nên sử dụng ở những không gian công cộng, văn phòng công sở...

Độ cao và độ rộng của bậc cầu thang nên thiết kế phù hợp với nhân trắc học của con người tức là phù hợp với bàn chân và sải chân của người Việt Nam. Kích thước thang hợp lý trong kiến trúc dân dụng: chiều cao bậc từ 150mm, độ rộng bậc 300mm. Thông thường kích thước này khó lòng đạt được. Chiều cao từ 160 - 185mm, độ rộng tối thiểu phải đạt được là 270mm là hợp lý.

DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT