Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động theo chiều hướng xấu, 9 tháng đầu năm, luồng vốn FDI vào Hải Phòng vẫn tăng cao chưa từng thấy từ trước đến nay, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Vậy, bất động sản ở Hải Phòng có gì hấp dẫn các doanh nghiệp FDI?
“Mỡ nó rán nó”
Từ đầu năm đến nay, trong tổng nguồn vốn FDI vào Hải Phòng đạt hơn 1,3 tỷ USD, vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản gần 1 tỷ USD.
Nếu tính cả các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ những năm trước, Hải Phòng đang có khoảng gần 10 dự án FDI lớn vào bất động sản, chưa kể 2 dự án lớn đang triển khai để có thể đươc cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm nay.
Dự án bất động sản lớn nhất của Công ty TNHH Amco Mibeak Vina (Hàn Quốc) vừa được khởi công vào cuối tháng 9. Đây là đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, du lịch, sân gôn Sông Giá, huyện Thủy Nguyên, vốn đầu tư gần 600 triệu USD, sử dụng hơn 500 ha đất.
Dự án khu đô thị mới “Tinh Thành Quốc tế” tại khu Cựu Viên, quận Kiến An có tổng mức đầu tư 300 triệu USD, liên doanh giữa Tập đoàn Khải Đệ (Trung Quốc) và Công ty cổ phần dựng và Phát triển Đầu tư cũng vừa khởi công trước đó một tháng.
Dự án khu đô thị “Our City” tại phường Hải Thành, quận Dương Kinh, tổng diện tích 43,46 ha; vốn đầu tư giai đoạn 1 là 85 triệu USD của Công ty TNHH Hiệp Phong khởi công tháng 5- 2008…
Một số dự án lớn khác đang lập bản đồ địa chính, lập dự án đầu tư là KCN và đô thị Bắc Sông Cấm huyện Thủy Nguyên của Tập đoàn Sembcorp (Singapore); khu đô thị và công nghiệp Tràng Cát (quận Hải An), liên doanh giữa Công ty CP phát triển khu đô thị Kinh Bắc và Tập đoàn Foxcon (Đài Loan)…
Hầu hết các dự án FDI về bất động sản đều lựa chọn những vị trí đắc địa như ven sông (sông Giá, sông Cấm), dựa vào thế núi sau lưng và dòng sông trước mặt (núi Cựu Viên, sông Lạch Tray), gần biển, gần đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, khu du lịch Đồ Sơn, vùng ven biển Tràng Cát…
Phần lớn diện tích đất dự án là đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông, ven biển, kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng không lớn. Tuy nhà đầu tư phải bỏ ra một lượng vốn ban đầu nhưng không phải tất cả số vốn đăng ký đầu tư mà chỉ chiếm một phần nhỏ.
Một lượng vốn lớn được nhà đầu tư vay từ chính các ngân hàng thương mại trong nước. Các dự án lớn không triển khai một lúc mà theo kiểu cuốn chiếu, sau khi hoàn thành giai đoạn đầu, nhà đầu tư bán lấy tiền để đầu tư giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, nhà đầu tư còn huy động vốn từ những người có nhu cầu mua các căn hộ theo kiểu “mỡ nó rán nó”.
Một dự án bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài nằm ở khu vực Sở Dầu được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2006, nhưng tiến độ triển khai rất chậm. Đến nay, chưa có căn hộ nào được xây dựng nhưng đã được bán với giá ngất ngưởng, nhiều người đã nộp tiền cọc để mua các căn hộ vẫn còn “trên giấy”.
Theo một chuyên gia kinh tế đầu ngành, vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản, chẳng biết nên mừng hay nên lo. Mừng vì bộ mặt đô thị sẽ được chỉnh trang, cải tạo ngày càng đẹp, văn minh và hiện đại nhưng lo cũng không ít. Đó là lo giải quyết việc làm cho người lao động mất đất; lo khi nhà đầu tư nước ngoài rút vốn sẽ tạo ra lạm phát…
Thận trọng khi xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư
Huyện Thuỷ Nguyên hiện có số dự án FDI về bất động sản lớn nhất trong số các địa phương của Hải Phòng. Mỗi dự án phát triển khu đô thị, khu du lịch sử dụng từ hàng chục đến hàng trăm, hàng nghìn ha đất. Dự án khu đô thị và công nghiệp Bắc sông Cấm sử dụng 1.600 ha đất, dự án khu đô thị và công nghiệp Tràng Cát sử dụng gần 1.000 ha đất.
Khu du lịch, nghỉ dưỡng và sân gôn sông Giá sử dụng 500 ha…Tương ứng với các diện tích trên là hàng vạn hộ nông dân sẽ bị mất đất nông nghiệp. Phần lớn họ ở lứa tuổi trung niên, cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp rất khó khăn.
Các dự án bất động sản tạo ra ít việc làm, nếu có, cũng yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, bản thân những người nông dân và con em họ, phần đông chỉ có trình độ tốt nghiệp THPT khó cơ hội tìm việc làm trong các dự án này.
Tuy các giao dịch bất động sản của Hải Phòng hiện không sôi động bằng nhiều tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhưng Hải Phòng có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn: cảng biển lớn nhất phía Bắc, một loạt các dự án lớn được Chính phủ quan tâm đầu tư trên địa bàn thành phố như dự án Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, cầu Đình Vũ - Cát Hải… và các dự án do thành phố đầu tư.
Khi các dự án hoàn thành, giá trị bất động sản trên địa bàn thành phố sẽ tăng vọt. Các nhà đầu tư nước ngoài đón bắt được cơ hội lớn này, liên tục tìm đến và đề nghị được đầu tư vào các khu đô thị hay công nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư HP Đan Đức Hiệp, việc các dự án FDI vào lĩnh vực bất động sản tại Hải Phòng tăng cao không có gì đáng lo ngại. Đây là sự phát triển tất yếu sau khi các dự án công nghiệp đi vào hoạt động nhằm hỗ trự cho các dự án này.
Hiện, trong tổng vốn FDI vào thành phố từ trước đến nay khoảng 3,8 tỷ USD, vốn vào bất động sản mới hơn 1 tỷ USD, vẫn bảo đảm cân đối các lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ. Song, ngành chức năng vẫn cần có sự đánh giá, rà soát lại các dự án FDI, xem xét hiệu quả kinh tế mà các dự án mang lại bằng các chỉ tiêu cụ thể: nộp ngân sách, tạo việc làm, ảnh hưởng đến môi trường, xã hội…
Bài học mới đây xảy ra đối với một số ngân hàng hàng đầu của Mỹ, Anh... lâm vào tình trạng phá sản cũng chính từ việc cho vay đầu tư vào bất động sản quá lớn.
>Hải Phòng “bội thu” FDI vào bất động sản
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: