Top

Qui hoạch “treo”: Cơ sở pháp lý

Cập nhật 12/07/2008 15:00

Qui hoạch “treo” ở nước ta không hiếm, nhưng “treo” tới 29 năm như trường hợp cồn Cái Khế, TP Cần Thơ thì có một không hai. Sự việc bắt đầu từ quyết định 887 năm 1979 của UBND tỉnh Hậu Giang qui hoạch khu vực này để xây dựng sân vận động lớn nhất Đông Nam Á (!).

Đến nay chính quyền địa phương vẫn dựa vào quyết định trên để cho rằng cả khu vực cồn Cái Khế nằm trong qui hoạch. Có nghĩa là mấy trăm hộ dân cư ngụ tại đây, cũng như những người trót sinh trưởng và cư ngụ trên những khu qui hoạch khác, còn phải chịu khốn khó trong cuộc sống thường ngày.

Bức xúc vì khổ nên người ta thường chỉ “tố khổ”, ít ai quan tâm mổ xẻ vấn đề dưới lăng kính pháp luật bằng câu hỏi: cách quản lý liên quan tới qui hoạch sử dụng đất như vẫn làm lâu nay có cơ sở pháp lý không?

1. Xét theo quyền công dân, những nỗi khổ của dân ở cồn Cái Khế và ở các khu qui hoạch khác mọi người đều rõ.

Nhìn từ mặt pháp lý, những nỗi khổ đó bắt nguồn từ sự tùy tiện hạn chế hoặc vô hiệu hóa quyền công dân đã được ghi trong hiến pháp và nhiều luật.

Khó khăn trong đăng ký hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân là gì nếu không phải là hạn chế quyền nhân thân sơ đẳng nhất của công dân. Hạn chế này đến lượt nó lại hạn chế các quyền công dân khác như quyền cư trú, quyền học tập, quyền có việc làm.

Những khó khăn trong xin phép sửa chữa, xây dựng nhà ở, chuyển nhượng nhà đất là gì nếu không phải là vi phạm quyền công dân về nhà ở, về chuyển nhượng tài sản.

2. Xét ở khía cạnh quyền quản lý đất đai của các cấp chính quyền, quyền sử dụng đất là một quyền hiến định.

Vậy mà chỉ với một quyết định qui hoạch của một cấp chính quyền địa phương cũng đủ làm quyền này bị tổn thương.

Trong câu chuyện cồn Cái Khế, cần lưu ý rằng quyết định 887 ban hành năm 1979, thời gian có hiệu lực của hiến pháp thừa nhận bốn thành phần kinh tế: Nhà nước (toàn dân), tập thể, cá thể, tư sản dân tộc (điều 11) và tuyên bố bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất, tư liệu sản xuất của các thành phần ngoài quốc doanh (các điều 14, 15, 16).

Vào thời điểm đó chế độ sở hữu đất toàn dân chưa xác lập (xem điều 12). Vậy mà UBND Hậu Giang qui hoạch tất cả đất đai cồn Cái Khế như là đất công, vô hiệu hóa các điều khoản về bảo hộ quyền sở hữu của các thành phần ngoài quốc doanh.

Phải đến hiến pháp 1980, hiến pháp thời kinh tế công hữu hóa, chế độ sở hữu đất toàn dân mới được xác lập (điều 19) và kèm theo đó là chế độ nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo qui hoạch (điều 20). Tuy nhiên phải tới năm 1988, Luật đất đai cụ thể hóa hiến pháp 1980 mới được ban hành.

Đến lúc đó mới có những qui định về quyền quản lý đất đai của chính quyền địa phương, trong đó có qui định chính quyền cấp trên xét duyệt qui hoạch và kế hoạch sử dụng đất của cấp dưới. Như đã nêu, quyết định 887 được ban hành từ 1979. Không rõ sau Luật đất đai 1988, qui hoạch cồn Cái Khế có được Chính phủ xét duyệt không?

Điều 20 hiến pháp 1980 còn có một qui định rất quan trọng: “Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo qui định của pháp luật”. Có nghĩa là đất đai tuy đã là của toàn dân, nhưng việc sử dụng đất cơ bản vẫn là nguyên canh, nguyên cư, tức là những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất vẫn được tiếp tục sử dụng.

Và nếu họ tiếp tục sử dụng cho tới khi hiến pháp 1992 có hiệu lực (ngày 15-4-1992) thì họ mặc nhiên được bảo lưu quyền sử dụng, tức là mặc nhiên được giao đất sử dụng ổn định lâu dài theo hiến pháp 1992 và Luật đất đai 1993. Nhưng cư dân cồn Cái Khế sử dụng đất từ 1980 đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất!

Những điều nêu trên cho thấy cả việc ban hành quyết định 887, cả việc sẽ tiếp tục thực hiện quyết định đó đều thiếu cơ sở pháp lý.

Theo Địa Ốc TTO