Top

Sắp có công ty giải phóng mặt bằng

Cập nhật 12/07/2008 09:00

Nhà nước không phải bỏ tiền ra bồi thường, giải tỏa. Chủ đất có quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, góp vốn trực tiếp và được chia lợi nhuận của công ty.

Cơ chế thí điểm thành lập công ty chuyên giải phóng mặt bằng đã được đưa ra bàn thảo giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) với một số bộ liên quan hôm 9-7.

Cách đây hơn hai tháng, Thủ tướng đã có văn bản cho thí điểm thành lập doanh nghiệp chuyên giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án. Mới đây, Công ty cổ phần Đức Khải (quận 5, TP.HCM) đã trình Chính phủ xin thành lập tổng công ty bồi thường, giải tỏa Việt Nam.

Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, chưa từng có ở Việt Nam nên được nhiều bộ, ngành và dư luận rất quan tâm. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ (Bộ TNMT) cho biết ông rất ủng hộ Công ty cổ phần Đức Khải lập tổng công ty này.

Dân được góp vốn bằng đất

Theo tờ trình của Công ty Đức Khải gửi Chính phủ, quy trình giải tỏa mặt bằng như sau: Đối với các dự án đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể, công ty sẽ lập hồ sơ đăng ký với chính quyền địa phương làm thủ tục tạm giao đất cho công ty. Sau đó, công ty bỏ toàn bộ vốn ra trực tiếp thương lượng, thỏa thuận với các hộ dân trong khu vực quy hoạch để thu hồi đất.

Hộ dân nào có nhu cầu nhận tiền bồi thường tự lo chỗ ở thì công ty sẽ trả tiền ngay. Nếu người dân có nhu cầu sẽ được góp vốn với doanh nghiệp bằng việc mua cổ phiếu, trái phiếu, góp vốn trực tiếp và được chia lợi nhuận của công ty. Sau khi có đất “sạch”, công ty sẽ giao lại đất cho chính quyền địa phương để tổ chức đấu giá.

Công ty Đức Khải cho biết tiền lãi thu được sau khi đấu giá đất, công ty sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đồng thời nộp 10% lợi nhuận sau thuế từ hoạt động này vào quỹ phúc lợi xã hội. Số vốn điều lệ của tổng công ty giải phóng mặt bằng dự kiến là 1.650 tỷ đồng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với cách thức hoạt động như của Công ty Đức Khải, cả nhà nước, người bị thu hồi đất và doanh nghiệp đều cùng có lợi.

Địa phương phải “bật đèn xanh”

Ông Nghệ cho biết việc bồi thường, giải tỏa rất khó khăn, phức tạp. Nhưng Công ty Đức Khải đã có nhiều kinh nghiệm nhờ tham gia bồi thường, giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án có diện tích đất lớn ở các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương nên có khả năng thực hiện được. Công ty này còn được UBND TP.HCM chọn làm chủ đầu tư một số dự án.

Theo đại diện của Bộ TNMT, các bộ liên quan cần đưa ra phạm vi mà Công ty Đức Khải được phép làm. Phải có cơ chế tài chính minh bạch, rõ ràng, cho thấy doanh nghiệp được hưởng những gì. Nhiều bộ và UBND các cấp phải có trách nhiệm cùng doanh nghiệp xúc tiến xã hội hóa hoạt động giải phóng mặt bằng. Nếu sau năm năm thí điểm mà thành công thì nhà nước sẽ cho nhân rộng mô hình này.

Dự kiến cuối tuần sau Bộ TNMT cùng các bộ liên quan, đại diện UBND một số tỉnh, thành sẽ họp tiếp về việc này. Một trong những nội dung quan trọng trong buổi họp tới là xem các địa phương đó có đồng thuận với mô hình trên hay không. “Quan trọng nhất là địa phương phải có đơn đặt hàng với doanh nghiệp” - một cán bộ nói.

Theo Pháp Luật TP