Top

Quá tải hồ sơ nhà đất!

Cập nhật 12/07/2008 08:00

Hơn một năm qua (4.2007 - 6.2008), số lượng nhà được cấp "giấy hồng" đạt con số kỷ lục (gần 120.000 căn). Nhưng các quận huyện vẫn "than" là hồ sơ nhà đất hiện quá tải, vẫn tồn tại nhiều vướng mắc.

Hồ sơ tăng đột biến

Tại hội nghị sơ kết công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (gọi là "giấy hồng") trên địa bàn TP.HCM ngày 10.7, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Nguyễn Tấn Bền cho rằng: "Nếu tính trong 10 năm qua, số giấy chủ quyền được cấp chỉ đạt 400.000 giấy, thì hơn 1 năm qua khi thực hiện Quyết định 54 (về trình tự, thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà, đất), toàn TP.HCM cấp được gần 120.000 giấy. Đây là một nỗ lực rất lớn của nhiều quận huyện.

Có quận huyện đã giải quyết cấp giấy xong cho 90% số lượng nhà đất, có quận huyện đạt 80%, nhưng số quận huyện đạt 50% cũng còn nhiều. Các quận huyện phải cùng với Sở Xây dựng cố gắng đến năm 2010 cơ bản cấp xong giấy chủ quyền nhà đất cho người dân".

Đại diện huyện Bình Chánh cho rằng: "Do rút ngắn thời gian cấp giấy chủ quyền từ 55 ngày theo Nghị định 181 xuống còn 30 ngày, và được phép ghi nợ tiền sử dụng đất nên người dân đổ xô đi làm giấy tờ nhà, khiến cho số hồ sơ tăng đột biến. Chỉ tính trong vòng 1 tháng, từ 1.4 đến 30.4.2008, huyện Bình Chánh đã tiếp nhận đến 700 hồ sơ đề nghị cấp mới, gây áp lực rất lớn cho cán bộ thụ lý".

Quận Gò Vấp cũng cho biết, năm 2007, quận này đã tiếp nhận 9.024 hồ sơ và đã nỗ lực tối đa để cấp được 7.705 giấy; và từ đầu năm 2008 cho đến 28.6.2008 đã tiếp nhận 3.405 hồ sơ, vẫn chỉ cấp được 1.422 giấy, lượng hồ sơ tồn đọng vẫn còn đến 1.639 hồ sơ!

Quận Tân Phú cũng không ngừng cải tiến cung cách tiếp nhận và thụ lý giấy tờ nhà đất cho người dân. Tuy nhiên lãnh đạo quận này cho biết số lượng nhà đất có nhu cầu cấp giấy vẫn còn rất lớn, lên đến hàng ngàn trường hợp.

Có nhiều trường hợp như ở quận Bình Thạnh, Gò Vấp do không giải quyết nổi đúng hẹn vì hồ sơ quá nhiều, lãnh đạo quận đã phải phát văn bản xin lỗi người dân vì lực lượng thụ lý hồ sơ quá mỏng, không tài nào giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân.

Vẫn còn vướng mắc nhiều!

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, tuy Nghị định 90/CP đã quy định thành phần hồ sơ cấp giấy chứng nhận rất đơn giản, nhưng chưa bao quát hết các tình tiết pháp lý liên quan đến việc tạo lập nhà đất, không quy định các loại giấy tờ liên quan đến nhân thân (ví dụ giấy xác nhận độc thân, giấy đăng ký kết hôn đối với trường hợp vợ và chồng không cư ngụ cùng một địa chỉ...); trường hợp tài sản chung hoặc riêng của vợ hoặc chồng, do vậy trong thực tế, khi thụ lý dễ phát sinh việc thắc mắc hoặc khiếu nại từ phía người dân.

Ông Nguyễn Tấn Bền cho biết: "Do những tồn tại của lịch sử, nhà đất tại TP.HCM có những biến động rất phức tạp; trong quá trình thụ lý hồ sơ, do pháp luật chưa quy định cụ thể nên cán bộ còn lúng túng đối với một số trường hợp".

Lãnh đạo Sở Xây dựng đưa ra nhiều dẫn chứng: Chẳng hạn diện tích tối thiểu được tách thửa là bao nhiêu và việc quy định cấp giấy chứng nhận cho thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể.

Việc thực hiện các quy định về nhà ở cho Việt kiều còn vướng mắc, chẳng hạn có một số vấn đề Chính phủ đã giao cho các bộ hướng dẫn cụ thể nhưng gần 18 tháng qua kể từ ngày NĐ 90/CP có hiệu lực, các bộ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn khiến việc chứng nhận hợp đồng mua bán cho Việt kiều còn nhiều lúng túng...

Đối với vấn đề cấp đổi "giấy trắng" thành "giấy hồng", đại diện quận Gò Vấp cho biết, hiện quận này còn 12.000 trường hợp chưa cấp đổi. Tuy nhiên, do người dân tạo lập từ lâu và diện tích nhà đất có nhiều biến động nên việc xác nhận khi cấp đổi đồng thời với chuyển nhượng mua bán của người dân chưa đủ thông tin chính xác.

Đại diện quận này đề nghị: giao việc này cho quận giải quyết trên cơ sở yêu cầu người dân phải lập lại hiện trạng mới, hoặc có hướng dẫn cụ thể để không phải vướng mắc khi thụ lý giải quyết hồ sơ cho dân.

Đại diện huyện Bình Chánh cũng nêu lên thực trạng của hàng ngàn hộ dân sống dọc theo quốc lộ 50, do quy hoạch lộ giới tuyến đường này là 120m, do vậy giấy tờ của người dân bị "treo" lại từ lâu. "Nếu căn cứ theo chỉ giới đường đỏ để cấp giấy thì hầu hết số hộ dân dọc theo tuyến quốc lộ này đều không thể cấp được.

Mặc dù vấn đề này, Phòng quản lý đô thị huyện đã có văn bản kiến nghị từ tháng 1.2008 nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào trả lời" - đại diện huyện Bình Chánh trình bày.

Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu, báo cáo Chính phủ bổ sung một số thủ tục chưa được quy định trong NĐ 90/CP và chỉnh sửa quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy đối với các trường hợp chuyển nhượng nhà ở đã có giấy chứng nhận theo hướng: chỉ cần đăng ký biến động tại trang 4, không phải cấp mới giấy chứng nhận như quy định hiện nay.

Sở Xây dựng TP.HCM yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2008, các quận huyện phải chủ động tăng cường các giải pháp đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, không để xảy ra những tình trạng gây khó dễ, ách tắc dẫn đến tồn đọng hồ sơ.

"Các quận huyện cần phải công khai hóa tối đa và minh bạch hóa các thủ tục. Chỉ có công khai hóa và minh bạch hóa mới ngăn chặn được tình trạng nhũng nhiễu người dân" - Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tấn Bền nói.


Theo Thanh Niên