Top

Địa ốc thời băng giá

Cập nhật 12/06/2008 08:00

Bài 1: Chủ đầu tư bạc tóc

Khi cơn “sốt” địa ốc bùng lên, đất đai, nhà cửa trở thành tâm điểm của nhiều nguồn đầu tư. Giới kinh doanh bất động sản, dù chuyên nghiệp hay chỉ tay ngang, ai nấy đều vui vẻ, hớn hở vì cứ bỏ tiền ra thì thu lời. Không chỉ doanh nghiệp “mạnh gạo” mới dám bung bạo tiền ra mua nhiều dự án mà doanh nghiệp nhỏ cũng không chịu ngồi nhìn, chạy đôn đáo tìm kiếm cơ hội sở hữu dự án cho riêng mình với tham vọng lớn…

Cú vấp của “tay lái nghịch”

Mãn khóa học tiến sĩ tại một trường đại học lừng danh thế giới của Mỹ, N. quay về nước tham gia vào ban giám đốc của Công ty địa ốc H. ở Nam Sài Gòn. Lúc đó, nhiều doanh nghiệp than ngắn thở dài do vướng Nghị định 181 nên chẳng làm ăn gì được, nhưng Công ty H. thì “rờ đâu trúng đó”, từ phân lô bán nền, quay sang bán góp vốn xây nhà theo quy định mới, cho đến mặt hàng mới cáu là chung cư cao cấp, cũng bán đắt như tôm tươi!

Anh N. bị “ngợp” vì cách kiếm tiền quá dễ, vừa dạy học vừa làm trong ban giám đốc nhưng anh cũng ấp ủ cho ngày ra đời một công ty địa ốc với nhiều mơ ước.

Thật nhanh chóng, ước mơ đó thành hiện thực, một công ty địa ốc mới ra đời với tên gọi na ná công ty cũ. Sản phẩm đầu tay là hợp tác làm dự án chung cư nhỏ, về quy mô lẫn chiều cao.

Chung cư là mô hình bản vẽ trên giấy, bán trầy trật.Sau đó, anh quyết định đổi tên gọi sang tiếng Anh, không biết nhờ đâu, vì tiếng tây hay thị trường đang “sốt” mà dự án bán hết sạch chóng vánh!

Hương vị chiến thắng đầu tay thật ngọt ngào, công ty bắt tay hợp tác làm một dự án chung cư khác. Rất thuận lợi vì cơn “sốt” địa ốc vẫn đang sùng sục lan tỏa, dự án bán thật nhanh.

Nhưng niềm vui đó quá ngắn ngủi, nguy cơ trắng tay hiện rõ vì dự án chưa đủ các thủ tục pháp lý, cơ quan điều tra đang “hỏi thăm”. Những ngày gần đây tại trụ sở công ty, nhân viên và khách hàng tiếng nặng tiếng nhẹ, “đôi co” xung quanh việc khách hàng đòi lại tiền trở nên chuyện thường nhật! Tiền thu từ khách hàng đã chi cho nhiều khoản, mà nhà băng lại khóa van, việc “mượn đầu heo nấu cháo” bị gãy gánh nửa đường, đào đâu ra tiền để trả lại?

Cuối năm ngoái, khi mọi người đang háo hức đón tết thì ông chủ chung cư P.Y cũng thế, rất vui vì hương vị thành công lần đầu trong lĩnh vực địa ốc sau hơn 20 năm làm nghề may mặc! Lúc đó, khi phóng viên đề nghị so sánh lợi nhuận giữa địa ốc với ngành may mặc, ông đúc kết: “Thật bất công cho ngành công nghiệp, mặc dù tốn nhiều lao động, đem ngoại tệ về cho đất nước!”.

Xưởng may tồn tại hàng chục năm trời phải dời ra ngoại thành, mặt bằng sẽ là cơ ngơi cho 2 lốc chung cư với 340 căn hộ, một cao ốc văn phòng cao 17 tầng.

Nhà mẫu xây xong, việc bán buôn khá chậm chạp, mặc dù giá bán vào khoảng giữa năm ngoái khá mềm, 8,5 triệu đồng/m². Thời cơ đến thật bất ngờ, khi người người rần rần xếp hàng đi mua The Vista, Sky Garden III… thì công ty tung ra bao nhiêu căn hộ cũng hết, những người mua đi bán lại đẩy giá lên đến 14 triệu đồng/m2.

Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt chủ đầu tư, ngời sáng với người “lướt sóng” nhưng quả thật cuộc đời không lường nổi chữ ngờ! “Tai họa” ập đến khi giá xi măng, sắt thép, gạch cát nhấp nha nhấp nhổm tăng từng ngày! Ngân hàng đóng cửa, một con đường… chẳng đặng đừng nhưng phải tính tới, đó là vay tiền khách hàng.

Mới đây, chủ đầu tư mời gọi nếu chấp nhận đóng tiền trước thời hạn ký kết trong hợp đồng sẽ được trả lãi suất 1%/tháng. Ngày đầu tháng 6, ông chủ chung cư P.Y cho biết, có khoảng 30% khách hàng ủng hộ. Thật là chẳng có con đường nào khác để chọn vì đã “leo lên lưng cọp”, chung cư đang xây dựng tới tầng thứ 8, cơn khát vốn như khát nước trên sa mạc!

Thuyền lớn, sóng lớn!

“Đến cuối năm còn trụ được là may lắm rồi”, anh B. nói như mếu khi vừa thấy mặt chúng tôi. Đã lâu không gặp, suốt thời gian qua anh luôn bận rộn, mà bận rộn đồng nghĩa với việc đang “gom” rất nhiều cơ hội làm ăn. Đâu ngờ những ngày cuối tháng 5 gặp nhau mặt anh méo xẹo như thế, giọng nói không còn rổn rảng, bỗ bã như tính cách của anh!

Anh ngồi vào ghế chủ tịch hội đồng quản trị chính thức lèo lái con thuyền khá lớn - một công ty mạnh thuộc một tổng công ty của nhà nước - trong thời điểm thị trường địa ốc đang trầm lắng, sau khi Nghị định 181 ban hành. Tuy nhiên, giống như tính cách, nói là làm, anh “xé rào”, kể cả thủ tục pháp lý chưa xong, lợi nhuận vì thế mà tăng lên nhanh chóng. Vì làm thật nên anh bắt tay xây dựng các cao ốc, đó cũng là thành quả mà nhiều thành viên của tổng công ty phải ganh tỵ.

Thế và lực mạnh, gặp thời chứng khoán “sốt” hầm hập, giá cổ phiếu có lúc lên trên 20 chấm, vốn thặng dư năm ngoái lên đến hàng ngàn tỷ đồng! Có tiền nhiều, anh tiếp tục đầu tư mạnh vào địa ốc, bóng dáng công ty xuất hiện tại nhiều khu đất đẹp. Vì làm ăn lớn, nên ngoài vốn thặng dư phát hành từ cổ phiếu, công ty vay tiếp ngân hàng, lúc đó các ngân hàng rất sẵn lòng mở hầu bao.

Sự hăm hở “đội đá vá trời” nhanh chóng bị dập tắt vì thị trường đứng lại quá nhanh, tiền vay nhà băng đến lúc đáo hạn mà không moi được ở đâu, cao ốc bán cầm hơi và phản ứng dây chuyền, giá cổ phiếu của công ty rớt thê thảm!

Không chỉ doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp tư nhân, kể cả những doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm chèo chống các đợt đóng băng trước đây cũng không thoát khỏi cơn băng giá. Tình cảnh bi thảm hiện mồn một trước mắt, hàng không bán được, nguồn vốn bị cắt, trong khi trên lưng phải cõng món nợ khổng lồ…

Chuyện một chủ đầu tư đang lo món nợ ngân hàng hơn 1.500 tỷ đồng là một ví dụ. Là kiều nữ hiếm hoi “bén duyên” địa ốc, chị N. tung tẩy trên thương trường với những chiến tích khiến giới mày râu phải ngả nón ngưỡng mộ. Từ bàn tay trắng, ki cóp lợi nhuận từng phi vụ mua qua bán lại, giờ đây chị có trong tay khối tài sản khổng lồ, tất cả đều là đất.

Theo tiết lộ của một chiến hữu, đất của chị nhiều đến mức thế này: tại gần trung tâm Nam Sài Gòn là 10 lốc chung cư, chị mua cách nay gần 3 năm vẫn chưa thèm xây lên hay bán lại; trong nội thành các khu đất có sổ đỏ hàng ngàn mét vuông do chị đứng tên, là đất vàng, tập trung tại quận 1, quận 3…

Tuy nhiên, giờ đây khi chiếc vòi thông sang ngân hàng bị cắt đứt, chị như ngồi trên lửa, bởi đang gánh món nợ trên 1.600 tỷ đồng! Quả thật, đến ngày đáo hạn, nếu chị không chạy kịp, nhà băng sẽ ôm đất, còn nếu vay với lãi suất cộng cả phí khoảng 24%/năm, lúc đó chị sẽ là chủ của món nợ lãi suất lên tới 400 tỷ đồng, thật không thể tưởng tượng!!! Bạn bè đang mong chị vượt cạn thành công…

Theo Sài Gòn Giải Phóng