Dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tạm thời gặp khó khăn vì nạn lạm phát, chứng khoán sụt giảm, thị trường địa ốc hạ nhiệt…nhưng các nhà đầu tư vẫn tìm đến và đổ vốn vào VN. Dự kiến sáu tháng đầu năm 2008, VN thu hút được 23 tỷ USD vốn (FDI), gần bằng cả năm 2007.
Những dự án hàng tỷ đô
Phân khúc thị trường nhà đất phục vụ sản xuất trong thời gian qua đang dần dần chiếm vị trí quan trọng hơn so với nhà đất tiêu dùng trên thị trường bất động sản, với nhiều dự án hàng tỷ USD, sử dụng hàng chục đến hàng ngàn hecta đang được cấp phép để triển khai.
Điển hình là dự án xây Công viên phần mềm Thủ Thiêm (CVPMTT), vốn đầu tư đăng ký 1,25 tỷ USD, do liên doanh giữa Saigon Tel (thành viên Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn – SGI) và công ty TA Associates International Pre Ltd. của Singapore – thành viên của tập đoàn Teco (Đài Loan) – làm chủ đầu tư, được UBND TP HCM cấp phép trong tháng 6/2008.
Dự án này chọn một khu đất vàng ở khu trung tâm của một trong năm phân khu của khu đô thị mới Thủ Thiêm, diện tích gần 16 hecta dọc Đại lộ Đông – Tây. Trên diện tích này, chủ đầu tư sẽ xây dựng thành thành phố gia công phần mềm xuất khẩu, thiết kế vi mạch, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao…với doanh số dự kiến trên 6 tỷ USD/năm.
Ngoài ra bên cạnh 1,25 tỷ USD do liên doanh này đầu tư, CVPMTT còn hy vọng thu hút thêm gần 3 tỷ USD từ những nhà đầu tư khác xây dựng nhà máy ở đây.
Khu vực miền Trung cũng là nơi đang thu hút nhiều dự án hàng tỷ USD.
Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã cấp giấy chứng nhận đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép và cảng biển Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan), có tổng vốn gần 7,9 tỷ USD (giai đoạn 1) và diện tích đất được sử dụng khoảng 3.500 hecta, trong đó sẽ dành ra 20% diện tích xây dựng khu dân cư, bố trí chỗ ở cho 5 – 7 vạn người.
Riêng công trình cảng Sơn Dương có diện tích gần 1.500 hecta, tổng mức đầu tư 619 triệu USD. Khu liên hợp sản xuất gang thép có tổng diện tích 2.000 hecta, công suất 7,5 triệu tấn/năm.
Giai đoạn 2, Tập đoàn Formosa tiếp tục đầu tư xây dựng nhằm nâng công suất bốc dỡ cảng lên 55 – 60 triệu tấn/năm, công suất nhà máy thép được nâng lên 15 triệu tấn/năm với tổng vốn gần 8,4 tỷ USD.
Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH – ĐT), trong 6 tháng đầu năm 2008, vốn đầu tư FDI sẽ vượt ngưỡng 23 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó có khoảng 5 dự án lớn, riêng dự án Nhà máy lọc đầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 6 tỷ USD sẽ được cấp phép trong tháng 6.
Cùng với dự án khu liên hợp sản xuất gang thép và cảng biển Sơn Dương đang chuẩn bị hoạt động, dự án này sẽ là động lực thúc đẩy thị trường nhà đất trong khu vực phát triển, với việc tạo ra hàng trăm ngàn chỗ làm và chỗ an cư, đáp ứng nhu cầu của người lao động trong các dự án này.
Muốn thêm nhiều nhà đầu tư, cần cải thiện môi trường đầu tư
Trong tháng 6, một phái đoàn thương mại do Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ dẫn đầu đến VN tìm cơ hội kinh doanh và đầu tư. Đây là lần thứ ba các quan chức cấp cao Mỹ dần đầu đoàn doanh nghiệp đến VN tìm cơ hội đầu tư trong năm nay.
Trước sự kiện này, một chuyên viên thương vụ Mỹ đánh giá: “Việc những công ty vừa và nhỏ thuộc nhiều ngành nghề đến VN theo sau những tập đoàn đa quốc gia là tín hiệu tốt cho thấy người Mỹ đánh giá rất cao thị trường VN. Vì các công ty nhỏ thường thận trọng, ngại rủi ro…nên việc họ đến đây cho thấy giới doanh nhân Mỹ đã có niềm tin và tìm thấy cơ hội ở thị trường này”.
Một viên chức của Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhận xét: sự tăng trưởng vượt bậc của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản vào VN cho thấy nền kinh tế sẽ khả quan trong thời gian tới.
Tiến sỹ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM nói: Vốn đầu tư nước ngoài vào những dự án lớn, sử dụng nhiều quỹ đất là điều kiện phát triển thị trường bất động sản vì thị trường này không chỉ là đất ở mà còn nhiều lĩnh vực khác, trong đó có đất phục vụ sản xuất, dịch vụ. Mà khi sản xuất và dịch vụ phát triển thì nhu cầu an cư cũng phát sinh theo. Như vậy, khi các dự án lớn triển khai, ít nhiều gì cũng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản đang hạ nhiệt hiện nay.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vốn vào VN nhưng họ cũng than phiền về cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp điện năng…của VN.
Ngoài ra thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài sau một thời gian được cải thiện đáng kể nay cũng đang bị than phiền. Nhất là ở khu vực phía Nam, các nhà đầu tư cho rằng thời gian chờ đợi được cấp giấy chứng nhận đầu tư ở Sở KH – ĐT TP HCM lâu hơn trước đây và chậm hơn nhiều so với Hà Nội!
Như vậy, để giữ vững thu hút đầu tư nước ngoài và tạo cơ hội hồi phục thị trường bất động sản, cần phải có những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư từ cơ sở hạ tầng đến thủ tục hành chính.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: