Top

Tăng giá xi măng: Thông tin gây “sốc”

Cập nhật 15/09/2008 11:00

Cuối tháng 7 vừa rồi, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính, xin phép điều chỉnh giá bán xi măng. Theo đó, từ nay đến hết năm 2008, giá xi măng sẽ được điều chỉnh làm hai đợt, mỗi đợt tăng từ 5 đến 10% so với trước đó.

Tuy việc xin tăng giá chưa được chính thức phê duyệt nhưng thông tin trên đã gây “sốc” cho cả người dân và các doanh nghiệp (DN) trong ngành Xây dựng, vốn đang lao đao do ảnh hưởng của giá vật tư tăng cao thời gian qua...

Cần thiết phải tăng giá xi măng?


Theo lý giải của VICEM, có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc cần phải điều chỉnh giá bán xi măng từ nay đến cuối năm 2008, trong đó yếu tố hàng đầu là sự tăng giá đột biến của hàng loạt vật tư đầu vào ngành này. Chỉ tính trong 6 tháng của năm 2008, giá than đã tăng 68%, giá clinker nhập khẩu tăng 36% - 70%, giá cước vận tải tăng 45%... so với cuối năm 2007, đẩy chi phí sản xuất bình quân toàn Tổng công ty VICEM thêm 23.000 đồng/tấn sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp xi măng VN cũng gặp nhiều khó khăn về vốn cho đầu tư các dự án do phần lớn phải vay từ các ngân hàng thương mại với lãi suất cao. Những yếu tố này đã gây áp lực lớn đối với VICEM khi cùng lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ: giữ bình ổn thị trường xi măng và SX-KD hiệu quả, tăng đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2008, VICEM đã chỉ đạo các các đơn vị thành viên triển khai những biện pháp đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tiết kiệm ở tất cả các khâu trong dây chuyền cũng như chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng để giảm giá thành sản phẩm. Tuy các giải pháp trên đã được thực hiện quyết liệt từ mấy năm trước, song gần như đã tới giới hạn.

Theo ông Trần Quang Tuấn - Chánh văn phòng VICEM, từ tháng 3-2008 đến nay, tuy hầu hết các Công ty thành viên của VICEM vẫn giữ nguyên giá bán, nhưng hiệu quả kinh doanh bị “tụt dốc” thảm hại. Điển hình là hai công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 và Hải Vân. Mặc dù đã điều chỉnh giá bán vào tháng 6-2008, song do không đủ bù đắp chi phí nên 6 tháng đầu năm, Hà Tiên 1 phải bù lỗ trên 2,2 tỷ đồng, Hải Vân lỗ hơn 3 tỷ đồng.

Bước sang tháng 7, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn không mấy sáng sủa và tiếp tục thêm nhiều thành viên của VICEM “ghi tên” vào danh sách các đơn vị làm ăn thua lỗ... dẫn đến việc, ngày 29-7-2008, VICEM phải có văn bản gửi Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính, đề nghị được tăng giá mặt hàng xi măng trong năm 2008. Cũng theo ông Tuấn, việc lựa chọn thời điểm tăng giá vào cuối năm là khá phù hợp vì dịp này nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm mạnh, do đó việc tăng giá sẽ không ảnh hưởng đến thị trường chung...

Mức nào và thời điểm nào?

Thông tin về việc VICEM xin phép điều chỉnh giá xi măng đã gây “sốc” cho các DN trong ngành xây dựng. Theo phân tích của giới chuyên môn, với mục tiêu sản xuất 18 triệu tấn xi măng trong năm 2008, sản lượng của VICEM hiện chiếm tới 40% thị phần trong nước. Mọi thay đổi trong hoạt động của DN này đều có tác động đến tình hình xây dựng nói chung. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng việc giá các loại vật liệu xây dựng (trừ xi măng) liên tục tăng cao đã khiến nhiều nhà thầu lao đao, thua lỗ, thậm chí phải tạm dừng thi công công trình. Nếu giá xi măng tăng thêm nữa sẽ đẩy nhiều DN xây dựng vào thế “không biết đi đâu về đâu”, trong khi đang hết sức khó khăn, điêu đứng.

Ông Đỗ Hồng Quân - Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Bê tông Thịnh Liệt cho biết: “Mỗi năm Thịnh Liệt dùng tới khoảng 30.000 tấn xi măng để sản xuất bê tông thương phẩm và các sản phẩm cấu kiện bê tông đúc sẵn. Nếu giá xi măng tăng từ 10%-15% thì giá bê tông thương phẩm sẽ buộc phải tăng thêm 15%, giá sản phẩm cấu kiện bê tông đúc sẵn tăng khoảng 5% nữa, ảnh hưởng ngay đến việc tiêu thụ, trong khi nhiều khách hàng lớn đã ký hợp đồng ổn định với công ty từ đầu năm. Thời gian qua, hầu hết giá thành các loại vật liệu xây dựng đều tăng mạnh nên việc xi măng tăng giá cũng là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, để tránh gây khó khăn thêm cho các DN xây dựng và bảo đảm mức tiêu thụ, VICEM nên có lộ trình việc tăng giá, tránh tăng giá đột biến, gây tác động xấu đến toàn bộ thị trường...”.

Trên thực tế, giá xi măng của các DN trực thuộc VICEM đã tăng dần từ đầu năm đến nay, bằng cách giữ nguyên giá bán nhưng khấu trừ phần khuyến mại cho người tiêu dùng trong giá thành sản phẩm. Mặt khác, tuy giá xi măng của VICEM có thấp hơn chút ít so với giá xi măng của các công ty liên doanh tại Việt Nam, song vẫn cao hơn giá xi măng của nhiều nước trong khu vực. “Nếu đột ngột tăng giá quá cao, không ai có thể bảo đảm xi măng Trung Quốc giá rẻ không tràn vào Việt Nam, và khi đó, bị ảnh hưởng nhiều nhất lại chính là VICEM. Chưa kể, việc xi măng tăng giá ồ ạt vào thời điểm cuối năm sẽ buộc nhiều dự án, công trình của Nhà nước phải ngừng triển khai để xây dựng lại dự toán cũng như điều chỉnh vốn” - ông Quân lý giải.

Dường như lường trước được những phản ứng của thị trường và các DN xây dựng, Bộ Xây dựng cũng tỏ ra rất thận trọng trong văn bản trả lời số 1657/BXD-VLXD ngày 18-8-2008 khi “thống nhất cần phải xây dựng lộ trình điều chỉnh giá bán xi măng” nhưng “yêu cầu VICEM xây dựng lộ trình cụ thể về điều chỉnh giá bán” trình Bộ xem xét và tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Xi măng VN để xin ý kiến góp ý trước khi có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 13-8-2008, Bộ Tài chính đã có văn bản số 9482/BTC-QLG nêu ý kiến: VICEM “sau khi rà soát và thực hiện các giải pháp tiết kiệm mà vẫn không bù đắp chi phí; kinh doanh gặp khó khăn phải điều chỉnh tăng giá bán thì mức điều chỉnh phải dựa trên cơ sở phân bố chi phí hợp lý để phù hợp với sự biến động thực tế của các yếu tố đầu vào chính của sản xuất kinh doanh tính cho một đơn vị sản phẩm”.

Như vậy, việc tăng giá bán xi măng lên mức nào và ở thời điểm nào, đến nay vẫn chưa được quyết định và tùy thuộc nhiều vào sự rà soát, tính toán lại mọi thứ một cách kỹ càng cũng như xây dựng lộ trình có tính khả thi cao của VICEM. Đó sẽ phải là một lộ trình hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng và quan trọng hơn, không gây tác động xấu đến thị trường, không làm ảnh hưởng đến chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững của Chính phủ.

Theo Hà Nội Mới