Top

Tỉnh táo với cổ phiếu BĐS

Cập nhật 04/09/2008 17:00

Trong vòng một tháng qua, nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản đã tăng giá tới gần 50%

Trong khi trên thị trường OTC, những cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản (BĐS) vẫn gần như bị tê liệt, chỉ một vài mã có giao dịch, thì trên thị trường niêm yết, nhiều cổ phiếu như: TDH của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức, chốt phiên giao dịch ngày 3-9 ở giá 78.000 đồng/cổ phiếu, tăng 49% so với cách đây gần một tháng; SC5 của Công ty Cổ phần Xây dựng số 5, tăng 49,91% và nhiều cổ phiếu khác như: HBC của Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình, SJS của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà... cũng liên tiếp “ghi” điểm mạnh mẽ.

Ông Võ Tuấn Anh, Trưởng Phòng Môi giới Công ty Cổ phần Chứng khoán Viễn Đông, cho rằng sự tăng giá ồ ạt của các cổ phiếu ngành xây dựng, BĐS trong thời gian gần đây hoàn toàn không có cơ sở, mà đơn thuần chỉ tăng theo xu thế chung của thị trường.

Đối với các doanh nghiệp (DN) niêm yết ở các nhóm ngành khác, đặc biệt là nhóm tài chính – ngân hàng, tình hình có vẻ khả quan và thêm nhiều thông tin tốt hơn, sự tăng giá còn có đôi chút cơ sở. Ngành BĐS cũng có một số thông tin như: các DN đã vượt qua thời kỳ khó khăn, đặc biệt là vấn đề đáo hạn các khoản vay ngân hàng. Nhưng thực tế, bức tranh của ngành xây dựng, BĐS vẫn chưa có gì sáng sủa. Giao dịch trên thị trường vẫn tiếp tục bị tê liệt, lãi suất vay vốn ngân hàng đứng ở mức cao, trả nợ ngân hàng vẫn là một bài toán khó... Thực tế, ngoài các dự án cũ, hầu hết các DN BĐS hiện đều tạm ngưng triển khai các dự án mới. Sự khó khăn của các DN BĐS đương nhiên sẽ kéo theo sự khó khăn của những DN ngành xây dựng.

Thực tế cho thấy, một số DN có mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận khá thấp nhưng cổ phiếu vẫn liên tiếp tăng trần với dư mua dày đặc ở nhiều phiên giao dịch liên tiếp. Ngay cả những DN phải chuyển nhượng dự án của mình cho đối tác khác nhưng giá cổ phiếu vẫn cứ xu hướng đi lên.

Theo chuyên gia chứng khoán, BĐS Đinh Thế Hiển, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2009, thị trường BĐS mới có thể phục hồi trở lại. Vì thế, đầu tư vào cổ phiếu BĐS lúc này cần đề phòng rủi ro cao. Bởi nó có thể lao dốc rất nhanh nếu thị trường chứng khoán có dấu hiệu điều chỉnh.

Theo Người Lao Động