Top

Singapore lo thiếu cát

Cập nhật 01/11/2017 08:54

Không chỉ nhập từ Việt Nam, mỗi năm quốc đảo Singapore bỏ hàng trăm triệu USD để nhập cát từ các nước láng giềng khác, nhưng nguồn cung đang dần bị siết chặt.

Với một quốc đảo nhỏ bé như Singapore, cát là nguồn tài nguyên quý giá ngang với dầu mỏ hay nước ngọt. Tuy nhiên nguồn cung cát cho Singapore đang ngày càng bị siết chặt bởi các quốc gia láng giềng.


Bằng việc dùng cát để lấn biển, diện tích của Singapore đã tăng 24% kể từ năm 1960 theo số liệu của cơ quan chức năng nước này.

Việc nhập cát một cách đều đặn với số lượng lớn đang trở thành thách thức với Singapore trong những năm gần đây.

Những nước xuất khẩu cát nhiều nhất cho Singapore như Indonesia hay Việt Nam đã siết chặt lượng cát xuất khẩu sau khi nhiều lo ngại về ảnh hưởng môi trường do khai thác cát và lo ngại chính trị về việc Singapore ngày càng mở rộng lãnh thổ ra biển.

Tới tháng 7/2017, Campuchia là quốc gia tiếp theo cấm xuất khẩu cát sang Singapore sau khi việc khai thác cát quá mức đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới kết cấu địa chất các vùng ven biển nước này.

Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc năm 2016, Singapore đã nhập lượng cát trị giá khoảng 42 triệu USD từ Việt Nam. Con số này với Malaysia là 108 triệu USD, Campuchia là 36 triệu USD và Myanmar là 3,8 triệu USD. Tổng lượng cát Quốc đảo sư tử nhập từ các nước láng giềng là 38,6 triệu tấn.

Chính phủ Singapore cho hay nước này đang tìm các biện pháp để mở rộng lãnh thổ trước thực trạng nhập khẩu cát ngày càng khó khăn, như "tìm nguồn tài nguyên khác từ đa dạng các quốc gia hơn".


"Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm ra những cách làm mới và đột phá để Singapore giảm sự phụ thuộc vào cát", Bộ Phát triển quốc gia nước này khẳng định.

Ví dụ, Singapore đang sử dụng phế thải xây dựng từ các công trường để thay thế cát hay một vài dự án tại nước này đang áp dụng phương pháp mới để lấn biển tốn ít cát hơn.

Chính phủ Singapore dự kiến sẽ đề xuất việc tiếp tục lấn biển để nâng tổng diện tích Singapore lên 766 km2 vào năm 2030 nhằm phục vụ tăng trưởng dân số và kinh tế. Đề xuất này đang được xem xét bởi Bộ Phát triển quốc gia Singapore.

DiaOcOnline.vn - Theo Zing