Chỉ trong thời gian ngắn, các dự án thép lớn với số vốn hàng tỷ USD đua nhau đổ vào Việt Nam. Đây chưa hẳn đã là tín hiệu đáng mừng...
Vì một lẽ, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì từ nay đến năm 2025 nhu cầu thép thành phẩm của Việt Nam chỉ khoảng 24 - 25 triệu tấn; và với quy hoạch này, trong vòng 10 năm tới Việt Nam chỉ cần xây dựng 1 - 2 liên hợp luyện thép là thích hợp.
Ồ ạt siêu dự án
Tính đến nay, Việt Nam đã có tới 6 dự án thép lớn; gần đây nhất là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tập đoàn Lion (Malaysia) đầu tư khu liên hợp thép Cà Ná tại Ninh Thuận, với tổng vốn đăng ký lên tới 9,8 tỷ USD.
Trước đó, đã có các dự án lớn được cấp phép đó là nhà máy Liên hợp thép Formosa - Sunco của Đài Loan tại Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư 7,8 tỷ USD và công suất dự kiến 15 triệu tấn/năm; nhà máy Liên hợp thép Tycoon-E. United cũng của Đài Loan ở Dung Quất (Quảng Ngãi) trên 3 tỷ USD, công suất 5 triệu tấn/năm.
Nhưng làn sóng đầu tư vào ngành thép vẫn chưa dừng lại, bởi hiện tại vẫn còn 2 dự án nữa đang được xem xét là Dự án liên hợp thép liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), Tổng công ty Xi măng và Tập đoàn Tata (Ấn Độ); Dự án Liên hợp thép liên doanh của Tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc) đặt ở vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) với công suất dự kiến giai đoạn 1 là 4 triệu tấn/năm.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Bộ Công Thương, đến năm 2020, nhu cầu thép của Việt Nam vào khoảng 22 triệu tấn. Trong khi đó, nếu tất cả dự án của doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện đúng tiến độ và vận hành hết công suất dự kiến thì đến năm 2020 ngành thép Việt Nam sẽ có sản lượng không dưới 40 triệu tấn.
Nhưng nhiều chuyên gia trong ngành lại lo ngại rằng, cùng một lúc có quá nhiều dự án lớn như vậy liệu có “tiêu hóa” được hết hay không? Vì trên thực tế đã có nhiều dự án được đầu tư tại Việt Nam bấy lâu nay nhưng không được thực hiện và nhất là trong điều kiện kinh tế như hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép và một số sản phẩm thép rất bấp bênh, không ổn định, nhưng các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng là có thể mang lại lợi nhuận là không thực tế.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Công Thương, việc các dự án lớn của nước ngoài đầu tư vào ngành thép sẽ thu hút và giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đóng góp “tương đối” cho ngân sách qua thuế và phần lớn các dự án đều được đầu tư ở miền Trung, đây là khu vực còn nhiều khó khăn.
Những cái giá phải trả
Song, các doanh nghiệp thép trong nước lại chưa đồng tình với quan điểm của Bộ Công Thương mà cho rằng, các dự án lớn do nước ngoài đầu tư 100% vốn là điều không có lợi, vì ngoài khoản thuế thu được nhiều hay ít vẫn còn là ẩn số, ngoài ra Việt Nam sẽ không còn thu thêm được gì đáng kể.
Mặt khác, sự xuất hiện của các siêu dự án luyện cán thép cũng là mối đe dọa không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là với những cơ sở nhỏ và quan trọng hơn cả là sự xuất hiện của các liên hợp sản xuất thép này đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại, nhất là về môi trường, vì với quy mô sản xuất hàng chục triệu tấn thép thành phẩm, mỗi năm các liên hợp này cũng sẽ thải ra hàng chục triệu tấn xỉ than và xỉ quặng cùng với một lượng lớn khói bụi vào không khí. Xử lý những chất thải này như thế nào là việc chưa thể tính được ngay từ bây giờ.
Bên cạnh đó, các tổ hợp luyện cán thép này sẽ tiêu thụ nguồn năng lượng điện, than khổng lồ. Mặc dù, một số dự án có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy điện riêng để tự đáp ứng nhu cầu năng lượng, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng lớn.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, trong số các dự án thép nêu trên thì chỉ có 1 dự án có vai trò của Việt Nam là dự án của VNSteel và Tata, nhưng cũng đang khó khăn về sở hữu quặng mỏ Thạch Khê, còn lại các liên hợp 100% vốn nước ngoài.
Điều này có thể làm cho Việt Nam ít bị rủi ro khi phải đầu tư vào ngành thép là ngành cần lượng vốn rất lớn, xây dựng lâu và ít có lãi hơn các ngành khác, nhưng với một ngành quan trọng mà sản phẩm có liên quan đến hầu hết các ngành kinh tế và quốc phòng của đất nước, thì toàn bộ liên hợp là vốn FDI của nước ngoài, sẽ làm cho nước chủ nhà Việt Nam mất vai trò trong ngành công nghiệp quan trọng.
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, nước này chỉ cho phép nước ngoài đầu tư vào ngành thép không quá 30% và không cho đầu tư nếu không có công nghệ mới. Đây cũng là điều Việt Nam nên tham khảo, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước.
Ông Cường cho biết thêm, việc chấp nhận đối tác có phần dễ dãi, dẫn đến dự án kéo dài không thực hiện được như dự án Tycoon ở Dung Quất hoặc dự án thép không gỉ ở Bình Dương, đến nay dự án thép không gỉ đã bị thu hồi giấy phép vì đối tác không có khả năng tài chính và công nghệ, cuối cùng sau một số năm phải đổi đối tác, phần còn lại của đối tác lúc đầu chỉ còn 5% hay 10% trong liên doanh.
Điều này khó có thể khẳng định sẽ không xảy ra đối với những dự án lớn trong tương lai, bởi lẽ, hầu hết các dự án lớn đều chia ra nhiều giai đoạn, thời gian thực hiện 5 đến 7 năm nên nếu không có những ràng buộc chặt chẽ, sẽ có đối tác chỉ thực hiện một giai đoạn đầu, chiếm một phần diện tích rất lớn trong nhiều năm mà không thực hiện, cản trở việc thực thi các dự án khác hoặc kéo rất dài thời gian thực hiện dự án.
Lợi ích mà các dự án này mang lại cho nền kinh tế Việt Nam có tương xứng với cái giá về môi trường, đất đai và nguồn năng lượng bị tiêu tốn hay không? Đó là câu hỏi cần sớm được trả lời.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: