Giá hòa vốn của phôi thép sản xuất tại Việt Nam khoảng 850 USD/tấn, nhưng giá chào bán của phôi thép nước ngoài vào Việt Nam ổn định trong 3 tháng tới chỉ ở mức trên 300 USD, nghĩa là trong bối cảnh này, muốn bán được hàng, các doanh nghiệp sẽ lỗ 550 USD cho mỗi tấn phôi thép. Một đợt rớt giá được nhận định là thê thảm chưa từng thấy.
Tại thị trường Luân Đôn, giá phôi thép đã giảm kỷ lục (chỉ bằng 28% so với thời điểm tháng 7). Giá thép cuộn của Trung Quốc hiện đang chào bán vào VN rẻ hơn giá trong nước khoảng trên 3 triệu đồng/tấn.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang ra sức bán lỗ để thu hồi vốn, nhưng trước sự đi xuống của giá thép thế giới và nhu cầu bán tháo của nhiều nước khủng hoảng thừa thép, thì nguy cơ không tiêu thụ được hàng là điều khó tránh.
2 tháng nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất phôi thép đã phải dừng hoạt động. Lượng phôi tồn đã lên tới 60 vạn tấn và chỉ biết dầm mưa dãi nắng, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm giá để tiêu thụ trong nước, nhưng cũng khó thuyết phục được các doanh nghiệp cán thép mua phôi trong nước.
Trong khi thị trường phôi trong nước không tiêu thụ được, phôi nước ngoài có nguy cơ được tiếp tục nhập về thì thép thành phẩm trong nước cũng trong tình trạng bị lép vế. Thép cuộn Trung Quốc hiện chào bán chỉ ở mức trên 9 triệu đồng/tấn, rẻ hơn giá trong nước gần 3 triệu/tấn.
Nhiều nhận định cho rằng, trước sự tồn đọng thép thế giới, giá thép sẽ còn tiếp tục giảm và hàng triệu tấn thép tồn đọng của VN sẽ rơi vào tình cảnh không tiêu thụ được.
Theo ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN: "Thép Trung Quốc cạnh tranh mạnh mẽ, chỉ cần nửa ngày, hàng có thể đến Việt Nam, nếu không có những chính sách sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước. Hiện nhiều doanh nghiệp phải bán tháo để trả nợ ngân hàng, trang trải tiền điện, nước...".
Theo Hiệp hội Thép, các doanh nghiệp thép VN hiện đang rơi vào tình cảnh giá thành sản xuất cao do giá nguyên liệu nhập thời điểm cao. Hiện nhiều doanh nghiệp đang phải cắt lỗ với mức giá bằng 30% so với giá vốn mà vẫn khó tiêu thụ, do nguy cơ của hàng nhập khẩu. Và nếu không có những chính sách bảo hộ hàng trong nước, thì các doanh nghiệp sản xuất thép và phôi thép của Việt Nam rất dễ rơi vào nguy cơ phá sản hàng loạt.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: